Du lịch Chư Păh hấp dẫn du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong bản đồ du lịch của Gia Lai, huyện Chư Păh có nhiều thắng cảnh hấp dẫn du khách như: núi lửa Chư Đang Ya, hàng thông cổ thụ, thác Công Chúa, Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, tịnh xá Ngọc Như, thủy điện Ia Ly, suối đá cổ và du lịch văn hóa với các làng nghề truyền thống, lễ hội đặc trưng của người bản địa.
Phát triển du lịch cộng đồng
Triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh đã chọn làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya), làng Kép (xã Ia Mơ Nông) và làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây) để xây dựng làng du lịch cộng đồng.
Đến nay, hơn 100 hộ dân ở làng Ia Gri vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi lửa Chư Đang Ya đã ngủ yên hàng triệu năm giữa đại ngàn hoang sơ. Từ trên cao nhìn xuống, miệng núi lửa tựa như một cái phễu khổng lồ do những lớp nham thạch tạo nên. Đặc biệt, vào khoảng tháng 10, tháng 11 hàng năm, nơi đây được bao phủ bởi sắc vàng của hoa dã quỳ. Ông Đinh Văn Thủy-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya-cho biết: Những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở văn hóa địa phương được quan tâm đầu tư, phục vụ du khách đến tham quan. Đặc biệt, để tạo thêm ấn tượng cho du khách, làng Ia Gri đã thành lập đội cồng chiêng nam và đội xoang nữ. Đồng thời, người dân đã thành lập được đội xe ôm để đưa du khách lên đỉnh núi lửa Chư Đang Ya, tham quan nhà thờ H’Bâu được xây dựng từ năm 1909 hay tham quan, chụp ảnh ở những cánh đồng tràn ngập sắc đỏ của hoa dong riềng… Ngoài ra, du khách còn có thể săn mây trên đỉnh núi Chư Nâm có độ cao 1.472 m so với mực nước biển.
Núi lửa Chư Đang Ya nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV
Tương tự, khi đến Ia Mơ Nông, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của thác Công Chúa. Thác có dòng nước như mái tóc người thiếu nữ, mềm mại, nhẹ nhàng len qua từng khe đá xếp tầng tầng, lớp lớp, rồi cùng hợp nhau tạo thành dòng chảy đổ xuống chân thác một cách êm dịu, mát rượi. Ngoài ra, du khách có thể tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng hay tham dự các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa như: mừng lúa mới, cúng bến nước, pơ thi (lễ bỏ mả). Chị H’Uyên Niê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, thành viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Kép-chia sẻ: “Người dân ở đây vẫn còn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đến đây, du khách được trải nghiệm cách dệt thổ cẩm, kéo sợi, đan lát và thưởng thức ẩm thực với những món ăn truyền thống của người Jrai”.
Ông Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông-cho hay: “Du lịch cộng đồng không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống. Thời gian qua, địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân xây dựng các mô hình, sản phẩm phục vụ du khách. Đồng thời, UBND xã cũng khuyến khích một số hộ có khả năng đầu tư các cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống phục vụ du khách, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư bản địa”.
Một ngôi nhà sàn cách tân của người dân làng Kép, xã Ia Mơ Nông. Ảnh: Lê Nam
Còn đến làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây), khách tham quan sẽ được khám phá vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, là nơi có những ngôi nhà rông lớn, mang nét nguyên sơ, yên bình, không chỉ là nơi linh thiêng, là biểu tượng sức mạnh mà còn biểu trưng cho tinh thần cộng đồng, đoàn kết của người Bahnar. Ông Biên-Chủ tịch UBND xã Hà Tây-cho hay: “Hầu hết các làng đều có nhà rông văn hóa được xây dựng theo kiến trúc truyền thống. Chúng tôi còn thành lập những đội cồng chiêng thanh thiếu nhi và người lớn biểu diễn dưới nhà rông văn hóa luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, du khách được thưởng thức rượu ghè, gà nướng, cơm lam và mua một số sản vật của địa phương như: chuối rừng, măng khô, rượu ghè...”.
Nhiều điểm đến hấp dẫn du khách
Huyện Chư Păh ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh và nằm giữa TP. Pleiku và TP. Kon Tum, có quốc lộ 14 chạy qua. Toàn huyện có 109 thôn, làng, tổ dân phố, dân số 78.500 người (trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 56%). Chư Păh là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều thắng cảnh, điểm di tích lịch sử như: núi lửa Chư Đang Ya, hàng thông cổ thụ, núi Chư Nâm, thác Công Chúa, Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, tịnh xá Ngọc Như, thủy điện Ia Ly, suối đá cổ. Ngoài ra, người dân còn lưu giữ các lễ hội, làng nghề truyền thống đặc trưng của người Jrai, Bahnar.
Ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho hay: Trên hành trình trải nghiệm tại Chư Păh, du khách có thể ghé thăm Biển Hồ chè (xã Nghĩa Hưng). Vườn chè hấp dẫn du khách bởi màu xanh bạt ngàn, hương thơm thoang thoảng, xen kẽ là cây muồng vàng khoe sắc. Dọc theo con đường vào vườn chè là hàng thông trăm tuổi. Du khách cũng có thể đến thăm suối đá cổ (làng Vân, thị trấn Ia Ly) có niên đại hàng triệu năm tuổi. Hai bên dòng suối là các thanh đá hình lục lăng tương tự nhau, được sắp đặt sát nhau thành những khối đá rộng lớn, rắn chắc như một khối đông đặc, tương đồng với những khối đá tại Gành Đá Đĩa (tỉnh Phú Yên). Ngoài ra, du khách còn có dịp thưởng ngoạn những điểm hấp dẫn khác như: hồ Tân Sơn (xã Nghĩa Hưng), thủy điện Ia Ly…
Chùa cổ Bửu Minh an tĩnh giữa cánh đồng chè trăm tuổi là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chùa Bửu Minh là một trong những ngôi chùa cổ ở Gia Lai với kiến trúc hài hòa, độc đáo. Còn tịnh xá Ngọc Như được thiết kế theo thiên hướng thiên nhiên với những hòn non bộ, cây cối núi rừng bao quanh và được điểm nhấn là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được làm bằng đá vôi cao sừng sững giữa bầu trời, xung quanh là núi non hùng vĩ. Ngoài ra, du khách còn được các nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm với nghề truyền thống như: đan lát, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc và dệt thổ cẩm; được hòa mình vào các lễ hội cúng nhà rông, mừng chiến thắng, cúng giọt nước, lễ bỏ mả của người Jrai, Bahnar.
“Theo kế hoạch, từ ngày 11 đến 17-11, huyện Chư Păh sẽ tổ chức Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2022 tại nhà rông văn hóa làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết thêm.
Trao đổi với P.V, ông Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Huyện Chư Păh đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, huyện tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch cũng như đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đầu tư xây dựng và nâng cấp tuyến đường đến các điểm du lịch tiềm năng như: đường vào thác Công Chúa, đường lên đỉnh núi Chư Đang Ya, ngăn đập hồ nước và đường xung quanh hồ (cầu treo thị trấn Phú Hòa), đường lên núi Chư Nâm. Đồng thời, vận động người dân phát triển homestay và các cơ sở dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh về con người, thiên nhiên và văn hóa đặc trưng của huyện. Hàng năm, huyện cân đối bố trí ít nhất khoảng 1 tỷ đồng để thu hút đầu tư phát triển du lịch.
LÊ NAM
 
 

Có thể bạn quan tâm