Du lịch Nam Bộ: Làm mới sản phẩm, thu hút dòng khách phù hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làm mới sản phẩm, nâng chất dịch vụ, có chiến lược thu hút các dòng khách phù hợp là những giải pháp được các địa phương triển khai với nỗ lực và quyết tâm cao nhất nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bãi tắm tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh TTXVN
Quyết định mở cửa du lịch hoàn toàn trong điều kiện “bình thường mới” từ ngày 15/3 được xem là cơ hội lớn để du lịch các địa phương sớm phục hồi toàn diện, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Làm mới sản phẩm, nâng chất dịch vụ, có chiến lược thu hút các dòng khách phù hợp là những giải pháp được các địa phương, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ triển khai với nỗ lực và quyết tâm cao nhất nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn và có bước phát triển mới.
Tạo sức hấp dẫn mới
Trong bối cảnh phục hồi du lịch, hoàn thiện và khai thác sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng các tiêu chí an toàn phòng dịch COVID-19 được nhiều địa phương chú trọng thực hiện, coi đây là yếu tố quan trọng mở “cánh cửa” thu hút, đón khách du lịch trở lại tham quan, trải nghiệm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp du lịch tiếp tục khai thác trở lại nhiều điểm đến, sản phẩm thế mạnh thuộc các loại hình du lịch tham quan di tích văn hóa - lịch sử,  du lịch mua sắm, ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo).
Cùng với đó, các đơn vị tập trung giới thiệu, đưa vào phục vụ du khách nhiều tour, tuyến, sản phẩm mới được hoàn thiện và vận hành từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 với những điểm nhấn như: điểm đến không gian xanh, thân thiện môi trường, trải nghiệm mới, khám phá nhiều hơn những nét văn hóa lịch sử, phong tục tập quán vùng miền.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, với phương châm đa dạng sản phẩm, tạo cảm nhận mới, hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước đến thành phố, tại Thành phố Hồ Chí Minh có hàng loạt các sự kiện như Lễ hội áo dài diễn ra từ ngày 5/3 đến 15/4 với chuỗi nhiều hoạt động được bố trí tại các không gian phù hợp, mang đến cho du khách các hoạt động khám phá, trải nghiệm từ tìm hiểu chất liệu, khâu thiết kế đến những thông điệp được gửi gắm qua những nét hoa văn trên chiếc áo dài, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa của con người, đất nước Việt Nam đến du khách.
Tiếp đó, dự kiến trong tháng Tư, sẽ diễn ra Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Sáu, tại thành phố có Ngày hội ẩm thực, tạo các điểm nhấn, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á.
Cùng là địa phương trọng điểm về du lịch, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương đang có sức hút lớn với du khách.
Lãnh đạo Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh đã đón gần 420.000 lượt du khách, trong đó nhiều điểm đến ở thành phố Vũng Tàu, các huyện Côn Đảo, Xuyên Mộc được nhiều du khách lựa chọn.
Bắt nhịp việc mở của toàn diện du lịch trong “điều kiện bình thường mới,” các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, lưu trú, các khu điểm du lịch trên địa bàn tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm đáp ứng yêu cầu của du khách là du lịch an toàn, hấp dẫn và ấn tượng.
Góp phần đa dạng hóa sẩn phẩm, tạo thuận lợi cho du khách, từ ngày 4/3, Ban Quản lý cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tiếp nhận trở lại các tàu khách cao tốc từ đất liền ra Côn Đảo, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương và khách du lịch sau một thời gian tạm ngưng.
Theo kế hoạch, trong tháng Ba này, Cảng Bến Đầm đón nhiều chuyến tàu từ Vũng Tàu, Sóc Trăng và Cần Thơ ra Côn Đảo và ngược lại, tạo thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển du lịch ở huyện đảo nói riêng, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương lân cận nói chung.
Trong khi đó, với thành phố Cần Thơ - trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều sản phẩm du lịch thế mạnh như du lịch đường sông, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm các nét văn hóa, làng nghề được các doanh nghiệp lữ hành, các khu, điểm du lịch cộng đồng phối hợp hoàn thiện, phát huy những thành công trong đón du khách nội địa dịp Tết Nguyên đán 2022, sẵn sàng phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cần Thơ, với mục tiêu đầu tư khai thác hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên du lịch, tạo nhiều sản phẩm chất lượng cao để thu hút du khách, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đều đang nỗ lực “làm mới mình” bằng những sản phẩm mới hoặc nâng chất, hoàn thiện, bổ sung những chi tiết, trải nghiệm hấp dẫn hơn, giới thiệu đến du khách trong giai đoạn bình thường mới.
Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch thu hút du khách cũng được tổ chức tại Cần Thơ như Liên hoan Đờn ca tài tư quốc gia diễn ra từ ngày 5-10/4, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2022 dự kiến từ ngày 6-10/4, góp phần tạo điểm nhấn, giới thiệu đậm nét sắc màu văn hóa Nam Bộ đến người dân và du khách.
Khai thác hiệu quả dòng khách hàng tiềm năng
Một số chuyên gia về du lịch cho rằng mở cửa toàn diện, đón du khách trong nước và quốc tế, các địa phương và từng doanh nghiệp cũng cần quan tâm xác định những dòng khách hàng tiềm năng, có giải pháp kích cầu phù hợp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển trở lại của du lịch.

Rừng tràm U Minh Thượng (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp du lịch như Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Công ty du lịch Vietravel,  bên cạnh việc tiếp tục có những tour, tuyến du lịch hấp dẫn, tới nhiều điểm đến, phục vụ mọi đối tượng du khách, các doanh nghiệp cũng đầu tư, quan tâm việc đón, phục vụ du khách thuộc dòng khách MICE đến từ các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các doanh nghiệp du lịch đều có sự chuẩn bị chu đáo từ khâu cung ứng dịch vụ, địa điểm tổ chức hội nghị, sự kiện đến xây dựng các sản phẩm trải nghiệm, tham quan, giải trí, mua sắm phù hợp với dòng du khách này.
Liên quan đến khai thác, phục vụ các dòng khách có nhiều tiềm năng, một số chuyên gia cũng gợi mở, đề xuất các địa phương quan tâm hơn trong việc xây dựng nhiều sản phẩm du lịch phù hợp, góp phần thu hút đối tượng du khách tiềm năng, tăng doanh thu cho ngành du lịch, dịch vụ ở địa phương.
Thạc sỹ Mai Thị Kim Khánh, Nguyễn Thị Quỳnh Như (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và cộng sự cho rằng hiện nay có rất nhiều dòng khách hàng tiềm năng với những mối quan tâm, thị hiếu du lịch mang tính đặc thù.
Chẳng hạn, các sinh viên quốc tế cũng có thể được coi là là nhóm khách hàng tiềm năng có độ dài lưu trú khá cao so với các đối tượng khác.
Nhìn nhận với du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiềm năng thu hút dòng khách này là rất lớn trong bối cảnh công tác hội nhập quốc tế ngày càng trở nên quan trọng đối với các trường đại học, cao đẳng, con số này sẽ có xu hướng gia tăng trong tương lai. Đây là nhóm đối tượng khách hàng có nhu cầu du lịch cao và có tiềm năng quảng bá du lịch Việt Nam cho giới trẻ toàn cầu.
Còn nếu nhìn rộng ra phạm vi quốc gia, vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vai trò là một trong 5 vùng du lịch cả nước, với các khu du lịch quốc gia và các sản phẩm du lịch đặc thù, cùng với các đường bay trực tiếp từ Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang hay qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) đang có nhiều thuận lợi để thu hút sinh viên quốc tế  không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh và nội vùng mà còn từ các trường đại học, cao đẳng ở các tỉnh, thành phía Bắc và miền Trung.
Nhóm chuyên gia này cũng đề xuất một số liên kết, kết nối phù hợp để tăng cường thu hút dòng du khách là sinh viên quốc tế đang học tập ở các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam, như: Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội - Đồng bằng sông Cửu Long và Đà Nẵng - Đồng bằng sông Cửu Long.
Các  hành trình đề xuất này có thể tương ứng với các lịch trình kéo dài từ 1-3 ngày, 4-7 ngày hoặc  4-6 ngày - đây được coi là những độ dài lịch trình tương đối phổ biến đối với sinh viên quốc tế trên thế giới.
Theo Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm