Phóng sự - Ký sự

Du lịch xanh: Không chỉ trên giấy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lâu nay vẫn xảy ra mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái cộng đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ ý chí của ngành du lịch và sự quyết tâm của nhiều địa phương đã dần đưa khái niệm 'du lịch xanh' từ trong văn bản bước ra thực tế.

Từ “Khách sạn không rác thải nhựa” đầu tiên…

Tháng 9/2023, Hội An chính thức ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa”, với mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm từ 13-15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần. Mô hình này sử dụng những vật liệu thân thiện môi trường như dùng gạch không nung khí để xây dựng toàn bộ công trình.

Ngoài ra, sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm biến tần và làm ra nước nóng. Các dịch vụ như hồ bơi muối khoáng, chai nước, vườn rau hữu cơ hỗ trợ sức khỏe du khách, các vật dụng cá nhân nhỏ nhất trong từng căn phòng cũng chỉ sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường… đảm bảo không gây ảnh hưởng môi trường và tầng ô-zôn.

Du khách quốc tế hào hứng tham gia tua du lịch “vớt rác” ở Hội An

Du khách quốc tế hào hứng tham gia tua du lịch “vớt rác” ở Hội An

Đây là một trong những mô hình du lịch xanh của Quảng Nam đang phát huy rất hiệu quả. Trước đó, tháng 10/2022, Hội An đã ra mắt mô hình “Trạm đong đầy” ở chợ - một giải pháp mua sắm không phát sinh bao bì, gia tăng vòng đời của rác, đặc biệt là rác thải nhựa. TP.Hội An cũng triển khai lắp đặt những “Ngôi nhà xanh” dùng để chứa các loại rác thải nhựa có thể tái chế ở 54 thôn, khối phố. Hoạt động này lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, xây dựng thành phố du lịch xanh. Những chai nhựa, lon bia, ống hút, túi nilon giờ đây không chỉ được sử dụng một lần, mà còn được kéo dài vòng đời trở thành những vật dụng hữu ích. Từ đó góp phần giảm thiểu 30 - 40% lượng rác thải sử dụng 1 lần ra bãi rác thành phố.

Mô hình “Cù Lao Chàm không có bao nilon” cũng được du khách hết sức đón nhận. Với tua du lịch đặc biệt này, các du khách được chèo thuyền trên sông, kết hợp nhặt rác bảo vệ môi trường. Đây là cách để du khách “trả tiền để được nhặt rác” nhưng vẫn vui vẻ khi vừa tận hưởng bản sắc của địa phương, vừa được truyền cảm hứng về tình yêu với môi trường.

… Đến mục tiêu “xanh” bền vững của ngành du lịch

Quảng Ninh cấm du khách mang túi nilon và đồ nhựa ra đảo Cô Tô từ ngày 15/9

Quảng Ninh cấm du khách mang túi nilon và đồ nhựa ra đảo Cô Tô từ ngày 15/9

Du lịch xanh, theo định nghĩa của “Bách khoa toàn thư về du lịch” (tác giả Martin Oppermann) “là một hình thức du lịch thay thế thường liên quan đến du lịch nông thôn, là một hình thái của du lịch thiên nhiên, thân thiện với môi trường và hầu như không tạo ra tác động về sinh thái tại điểm đến du lịch”. Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. “Du lịch và đầu tư xanh” được chọn là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch xanh để hướng tới phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã nêu ra định hướng: “Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nếu như Năm Du lịch quốc gia 2022 chọn chủ đề “Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh”, thì năm 2023 tiếp tục với chủ đề: “Bình Thuận-Hội tụ xanh”, như một sự khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững. Đón đầu xu hướng này, nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong phát triển du lịch xanh.

Mới đây, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cũng đã áp dụng thí điểm quy định kể từ ngày 15/9 du khách không mang chai nhựa, túi ni-lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch... Đề án này đã được thí điểm 1 năm trước đó và phát huy tác dụng tích cực. Theo chia sẻ của lãnh đạo Cô Tô, môi trường biển ở đây đã được cải thiện rõ rệt, cá heo đã xuất hiện gần bờ sau nhiều năm vắng bóng, nhiều rạn san hô bắt đầu sinh trưởng tốt. Đặc biệt, sau 10 năm, Cô Tô mới xuất hiện rùa biển trở lại, như minh chứng cho môi trường biển Cô Tô đã trong sạch hơn.

Tại Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu), các cơ sở lưu trú cũng tích cực dùng dụng cụ ăn uống bằng gỗ, sứ, thủy tinh thay thế đồ nhựa, đầu tư máy lọc nước đặt tại phòng, phân loại rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần... Tuần lễ giảm nhựa, triển lãm “Du hí biển nhựa” kết hợp “Ngày hội đổi rác lấy quà”, thu gom rác trong khu sinh thái, rạn san hô, rừng ngập mặn… được người dân, du khách tích cực hưởng ứng.

Du lịch Ninh Bình cũng sôi động các chương trình: “Chở xanh - Thở lành” với việc phát thùng rác bằng mây tre đan cho người dân, khách du lịch; “Hộp quà xanh - điều em muốn nói” giúp học sinh tái chế rác thải nhựa thành tháp cây, trồng cây xanh; Ngày Chủ nhật xanh… Điều đặc biệt là du khách rất thích tham gia những chương trình trải nghiệm thiết thực như thế này.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch cũng đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước, chú ý đến các hoạt động tái chế nhằm giảm rác thải nhựa... Một số tua du lịch xanh tiêu biểu đã được hình thành, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, như tua chèo thuyền vớt rác ở Hội An; tua thám hiểm hang động tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); tua xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo...

Ngày càng có nhiều du khách quốc tế quan tâm và lựa chọn những hoạt động du lịch ngoài trời tại Việt Nam như: Đi bộ, leo núi, bơi lội..., qua đó, vừa được thưởng thức thiên nhiên, vừa được nâng cao sức khỏe, góp phần giảm những tác động có hại đến tài nguyên thiên nhiên. Theo khảo sát của nền tảng Booking.com, có tới 88% số du khách nội địa cho hay họ muốn đi du lịch theo cách bền vững. Không chỉ tìm kiếm các tua du lịch thân thiện với thiên nhiên, du khách còn tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường tại điểm đến.

Theo ông Cao Quốc Chung, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Vidotour tại Hà Nội, muốn phát triển du lịch xanh, các nhà làm tour cần đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra những trải nghiệm, tương tác đáng nhớ cho du khách với cộng đồng địa phương, bởi du khách hiện nay có xu hướng muốn hòa nhập vào cộng đồng, chia sẻ với người dân địa phương, cùng tham gia các hoạt động cộng đồng… Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch bền vững.

Có thể bạn quan tâm