Dư luận tiếp tục lên tiếng phản đối hành động sai trái của Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981, cùng nhiều tàu các loại, trong đó có cả tàu chiến vào khu vực đảo Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý; đồng thời đâm, làm hư hỏng tàu kiểm ngư của Việt Nam đã gây sự phẫn nộ trong dư luận quốc tế và trong nước. Báo Gia Lai trích đăng một số ý kiến của các tầng lớp nhân dân tỉnh Gia Lai về sự việc này.

Thượng tọa Thích Nguyên An-Trưởng ban Kiểm soát thuộc Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai:
 

 

Theo tôi, sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo Việt Nam và luật pháp quốc tế. Quan điểm của đồng bào Phật giáo chúng tôi là yêu cầu phía Trung Quốc chấp hành đúng các quy định của luật pháp quốc tế về biển đảo, sớm chấm dứt các hành động sai trái và ngang ngược như trong thời gian vừa qua, cũng như sớm rút giàn khoan về nước, để trả lại sự bình yên trên biển, cũng như sự bình thường cho các hoạt động giao thông và kinh tế trên vùng biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, chức sắc và nhà tu hành chúng tôi rất mong Đảng, Nhà nước nghiên cứu đề ra hướng giải quyết phù hợp cho các vấn đề liên quan, để sớm chấm dứt các hành động sai trái của Trung Quốc, giữ vững chủ quyền quốc gia về lãnh hải của Tổ quốc. Nối tiếp lịch sử đoàn kết chống giặc ngoại xâm của cha ông, chúng tôi nghĩ rằng nhân dân các dân tộc Việt Nam, cũng như đồng bào các tôn giáo phát huy tinh thần đoàn kết một lòng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Dũng-Phó Trưởng khoa Xã hội (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai):

 

 

Tôi nhận thấy về mặt luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã vi phạm công ước Luật Biển 1982. Theo Công ước này, Việt Nam được thừa nhận có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. Công ước là công cụ pháp lý để phản bác những yêu sách phi lý và ngang ngược của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích biển Đông. Đây vốn là vùng biển được bao bọc bởi 9 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo Luật Biển Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng đàm phán hay trọng tài quốc tế. Vì căn cứ để giải quyết tranh chấp là các điều ước quốc tế và luật pháp quốc gia. Trong quá trình đàm phán, nếu có xung đột mà theo nguyên tắc của Điều ước quốc tế không giải quyết được thì sử dụng Luật quốc gia của các bên. Với nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, các nguyên tắc tranh chấp được giải quyết trên cơ sở không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ mà phải căn cứ bằng chứng xác thực mà các bên đưa ra. Theo tôi, Việt Nam nên tiếp tục kiên trì và liên tục đấu tranh, vừa bằng pháp lý và đạo lý, vừa tranh thủ sự đồng thuận ủng hộ của thế giới và khu vực.

Anh Trần Thanh Bình-Bí thư Đoàn phường Phù Đổng (TP. Pleiku):

 

 

Theo tôi, Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam. Đó là Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan ký hiệu HD 981 vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Hành động trên của Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc mà Trung Quốc là thành viên, đi ngược lại tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông DOC, giữa Trung Quốc và các nước thành viên.

Với vai trò là một thủ lĩnh thanh niên tại cơ sở, tôi sẽ tuyên truyền cho đoàn  viên thanh niên nắm vững sự việc, nhận thức đúng đắn về hành động sai trái của Trung Quốc, nâng cao lòng tự tôn dân tộc và ý thức đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia về biển đảo.

Thanh Nhật (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm