Du xuân

Du Xuân Giáp Ngọ trong Cung Vua Nguyễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng vạn du khách trong ngoài nước thỏa sức du xuân và thưởng thức các hoạt động văn hóa tại Hoàng Thành Huế-vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành-nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội.
 

 Khách quốc tế tham quan Điện Thái Hòa tại Đại nội Huế sáng mồng 3 Tết Giáp Ngọ 2014. Ảnh: Bùi Oanh
Khách quốc tế tham quan Điện Thái Hòa tại Đại nội Huế sáng mồng 3 Tết Giáp Ngọ 2014. Ảnh: Bùi Oanh

Đặc biệt, du khách còn có dịp thưởng thức các tiết mục biểu diễn võ thuật cổ truyền của dân tộc dịp Tết Giáp Ngọ trước sân Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế. Điện cùng với sân chầu là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật Vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 Âm lịch hàng tháng.
 

Du khách thích thú với việc chụp hình lưu niệm cùng xe ngựa tại Đại nội Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Du khách thích thú với việc chụp hình lưu niệm cùng xe ngựa tại Đại nội Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Dưới chế độ phong kiến, cung điện này được coi là trung tâm của đất nước. Điện được xây dựng vào năm 1805 thời vua Gia Long. Năm 1833 khi vua Minh Mạng quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội, trong đó có việc cho dời điện về mé nam và làm lại đồ sộ và lộng lẫy hơn.
 

Thiếu nữ vãn cảnh tại Đại nội Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Thiếu nữ vãn cảnh tại Đại nội Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Ông Phan Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế-đơn vị quản lý các di tích tại Đại nội Huế cho biết, ngoài việc mở cửa miễn phí phục vụ cán bộ, nhân dân trong nước đến tham quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện các hoạt động văn hóa, giải trí trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ như: Triển lãm “Ngựa và Long Mã” tại Trường lang, Đại Cung Môn, Đại Nội Huế; Lễ dựng Nêu tại Thế Miếu-khu vực Đại Nội, Điện Long An và các điểm di tích khác; Biểu diễn chương trình Cầu Truyền hình chào đón năm mới 2014 tại Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài Huế; biểu diễn lân sư rồng tại sân điện Thái Hòa; tổ chức các trò chơi cung đình và dân gian tại khu vực sau điện Thái Hòa; tổ chức biểu diễn múa lân tại Ngọ Môn. Biểu diễn võ thuật tại sân điện Thái Hòa-Đại Nội.
 

Du khách chụp hình bên 9 khẩu thần công trước Đại nội Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Du khách chụp hình bên 9 khẩu thần công trước Đại nội Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Trình diễn võ thuật tại sân điện Thái Hòa; biểu diễn chương trình nghệ thuật Nhã nhạc, Múa Cung đình tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế. Duy trì biểu diễn Nhã nhạc, Múa Cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường và các hoạt động đổi gác, trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc tại khu vực Đại Nội, Huế…
 

Biểu diễn võ thuật trước Điện Thái Hòa- Đại nội Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Biểu diễn võ thuật trước Điện Thái Hòa- Đại nội Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Đến 10 giờ sáng 2-2 (tức mồng 3 Tết Giáp Ngọ 2014), thống kê chưa đầy đủ từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ-2014, ngành Du lịch đón khoảng 60.000 khách du lịch (trong đó hơn 40.000 khách quốc tế) lưu trú và tham quan tại Thừa Thiên-Huế. Công suất phòng các khách sạn đạt hơn 90% tăng mạnh so với dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Trong đó, hầu hết du khách đã đến tham quan tại Đại nội Huế.
 

Triển lãm tranh “Ngựa và Long Mã” tại Trường lang, Đại Cung Môn, Đại Nội Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Triển lãm tranh “Ngựa và Long Mã” tại Trường lang, Đại Cung Môn, Đại Nội Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Du khách du xuân bằng xe ngựa trong cung vua Nguyễn. Ảnh: Bùi Oanh
Du khách du xuân bằng xe ngựa trong cung vua Nguyễn. Ảnh: Bùi Oanh

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm