Đưa Luật Giao thông Đường bộ về với buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Xe này chở 3, không ai đội mũ bảo hiểm”, “lại còn dàn hàng ba trên đường”-đó là những tiếng lao xao, bình luận sôi nổi của người dân khi xem các hình ảnh vi phạm về trật tự an toàn giao thông trong buổi chiếu phim tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ ở các buôn làng của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh.

Đưa Luật Giao thông Đường bộ về làng

Mới hơn 5 giờ chiều nhưng người dân ở các làng Phun, Băng, Bạc, Kiao và Klah đã tập trung kín nhà rông văn hóa 5 làng Klan, xã Ia Băng, huyện Chư Prông-để chờ đón buổi giao lưu văn nghệ kết hợp với chiếu phim tuyên truyền về Luật Giao thông Đường bộ của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh. Sau những tiết mục giao lưu văn nghệ do các đoàn viên Công an huyện Chư Prông biểu diễn được người dân ở đây nhiệt tình hưởng ứng và cổ vũ nồng nhiệt.

 

Đông đảo người dân tham gia buổi chiếu phim tuyên truyền về Luật Giao thông Đường bộ. Ảnh: Minh Nguyễn
Đông đảo người dân tham gia buổi chiếu phim tuyên truyền về Luật Giao thông Đường bộ. Ảnh: Minh Nguyễn

Không khí buổi giao lưu càng thêm cởi mở hơn khi những hình ảnh vi phạm về Luật Giao thông Đường bộ được trình chiếu. Bà con ai nấy xôn xao, bàn tán về những lỗi vi phạm của các thanh niên trong các đoạn clip về giao thông trình chiếu: Đó là hình ảnh những thanh niên trẻ người dân tộc thiểu số uống rượu say, chở 3, chở 4 trên xe máy mà không đổi mũ bảo hiểm; hình ảnh chiếc xe máy cày chở hàng hóa cồng kềnh với nhiều người ngồi vắt vẻo phía trên... Kèm theo những lời bàn tán xôn xao đó là những tiếng cười hết sức “ngây thơ” vì đó là những hình ảnh rất đỗi quen thuộc thường xuyên xuất hiện hàng ngày ở khắp buôn làng. Nhưng khi được giải thích, chỉ ra những lỗi vi phạm thì đa số người dân mới biết đó là những hành vi vi phạm Luật Giao thông Đường bộ.

Em Kpă Phan-17 tuổi ở làng Phun-chia sẻ: Trước giờ em cũng hay đi xe như vậy, cứ lên xe là chạy thôi, nhiều lúc chạy xe hàng 2, hàng 3, nắm tay kéo xe bạn trên đường mà không biết như vậy là vi phạm. Nhưng giờ nhìn hình ảnh về các tai nạn giao thông thấy các anh (trong đoạn clip-P.V) vi phạm Luật Giao thông Đường bộ dẫn đến những tai nạn, nghĩ lại em thấy rất sợ. Còn đối với em Rah Lan Hạ, làng Kiao (lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Du)-cho biết: Em chưa đủ tuổi điều khiển xe máy nên mỗi lần đi học đều được bố mẹ đưa đi hoặc chỉ tự đi xe đạp đến lớp. Em rất thích xem chương trình như thế này để biết và tránh những lỗi vi phạm mà các chú Công an vừa chỉ ra.

 

Tập trung nghe tuyên truyền hướng dẫn về an toàn giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn
Tập trung nghe tuyên truyền hướng dẫn về an toàn giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn

Không khí càng trở nên sôi động hơn với phần tham gia trả lời câu hỏi về các lỗi vi phạm bằng hình ảnh. Nhiều cánh tay giơ lên, già có, trẻ có, thanh niên, học sinh ai cũng đều muốn tham gia trò chơi vui nhộn này. Lần lượt những người được chọn đều trả lời chính xác những câu hỏi đưa ra, chỉ ra được các lỗi vi phạm và nhận được phần thưởng là chiếc mũ bảo hiểm đạt chất lượng. Ông Nguyễn Văn Hà-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Băng-nhận xét: "Đây là một hoạt động hết sức thiết thực giúp người dân ý thức hơn trong việc chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông, giúp người dân tránh những lỗi vi phạm phổ biến như chạy xe quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông...".

An toàn giao thông từ trường học

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, công tác này còn được tập trung mở rộng tuyên truyền trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Ngoài những buổi nói chuyện chuyên đề về tình hình tai nạn giao thông, cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh còn phổ biến các kiến thức về an toàn giao thông cho các em học sinh cấp I, cấp II ở các trường trên địa bàn tỉnh các lỗi vi phạm thường gặp. Hoạt động này được Ban Giám hiệu các nhà trường đánh giá cao, các em học sinh tỏ ra hào hứng, thích thú với phần quà là chiếc mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn khi trả lời đúng câu hỏi.

 

Các em học sinh Trường Lê Quý Đôn, huyện Chư Prông tham gia chỉ ra các lỗi vi phạm về an toàn giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn
Các em học sinh Trường Lê Quý Đôn, huyện Chư Prông tham gia chỉ ra các lỗi vi phạm về an toàn giao thông. Ảnh: Minh Nguyễn

Em Lữ Thị Quỳnh Như-lớp 11A1 Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Chư Prông) cho biết: "Đây là hoạt động ngoại khóa rất bổ ích đối với các bạn học sinh, giúp chúng em có thêm những kiến thức, hiểu biết về Luật Giao thông Đường bộ, biết được các lỗi vi phạm để có thể tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, giúp các bạn nắm bắt các quy định về an toàn giao thông chấp hành tốt hơn khi tham gia giao thông”. Còn em Nguyễn Hoài Sơn, lớp 10B5, Trường THPT Trần Phú (huyện Chư Prông)-cho rằng: Sau khi được xem những hình ảnh vi phạm giao thông dẫn đến những tai nạn thương tâm, em nghĩ mình cần phải ý thức hơn trong việc chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông để tránh được tai nạn giao thông vừa làm khổ bản thân, gia đình vừa liên lụy đến những người xung quanh.

Theo Đại úy Nguyễn Thanh Hải-Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ-hoạt động này nằm trong kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2014 của Công an tỉnh, được triển khai thực hiện từ tháng 4-2014. Tính đến thời điểm hiện tại, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 93 lượt tuyên truyền lưu động bằng xe loa với những khẩu hiệu, hình ảnh vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các khu vực trọng điểm về tai nạn giao thông; phát tờ rơi tuyên truyền các quy định về sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Riêng Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh phối hợp với công an huyện, xã tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông, các quy định về sử dụng mũ bảo hiểm, cách phân biệt các mũ bảo hiểm kém chất lượng đến 68 thôn, làng, tổ dân phố với 7.542 lượt người tham gia.

Đại úy Hải cho biết: "Việc tuyên truyền này đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân về việc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả cao hơn thì các cấp chính quyền tại các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn. Các hoạt động tuyên truyền cần linh động và phù hợp với từng đối tượng, địa bàn để người dân thấy thiết thực với họ hơn".

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm