Đưa trò chơi dân gian vào trường học: Hiệu ứng tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh. Không chỉ giúp học sinh tăng cường thể chất, trí tuệ, rèn luyện kỹ năng sống, hoạt động này còn góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Tiếng trống tan trường rộn rã vang lên, từng tốp học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chạy ùa xuống sân. Vừa ra khỏi lớp, em Lưu Phạm Bảo Nghi (lớp 5/7) cùng nhóm bạn nhanh chóng đến khu vực có vẽ sẵn trò chơi keo và chia đội để thi đấu. “Ngày nào con cũng chơi trò này với các bạn vào giờ ra chơi hoặc lúc đợi ba mẹ đến đón về. Trò này rất vui, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa giúp chúng con đoàn kết hơn. Ở nhà, mỗi khi chơi con phải dùng phấn để vẽ ô keo nhưng tới trường thì lúc nào cũng chơi được vì thầy cô đã sơn vẽ cố định trên sân rồi”-Bảo Nghi hồ hởi nói.
Cách đó không xa, các trò chơi dân gian khác cũng thu hút khá đông học sinh. Nếu trò ô ăn quan giúp phát triển trí tuệ, dạy cho trẻ biết quan sát, tính toán thì các trò nhảy lò cò, nhảy dây, cướp cờ, kéo co… lại giúp các em tăng cường sức khỏe. Quệt vội mồ hôi nhễ nhại trên trán sau khi hoàn thành lượt chơi lò cò của mình, em Trần Đức Kiên (lớp 2/1) vui vẻ khoe: “Con vừa chiếm được 5 ô làm nhà và đang cố gắng để giành chiến thắng. Con thích trò này lắm!”.
Các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku) hào hứng chơi keo sau giờ tan trường. Ảnh: M.T
Các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku) hào hứng chơi keo sau giờ tan trường. Ảnh: M.T
Đứng quan sát những học trò nhỏ hòa mình trong các trò chơi dân gian, thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng nhà trường-mỉm cười hài lòng. Theo thầy Sỹ, 4 cụm trò chơi trong khuôn viên sân trường được giáo viên tiến hành sơn kẻ vào năm 2016. “Đã lâu rồi, tôi không còn thấy cảnh học sinh rượt đuổi, xô đẩy nhau hay chơi các trò có tính chất bạo lực nữa. Tình hình an ninh học đường vì thế cũng đảm bảo. Thêm vào đó, các em trở nên nhanh nhẹn, hòa đồng, thân thiện hơn trong giao tiếp và biết đoàn kết, nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia các trò chơi dân gian. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh cũng sẽ giúp các em thêm hào hứng trong học tập”-thầy Sỹ cho hay.
Đối với các trường vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc đưa trò chơi dân gian vào môi trường học đường còn nhằm thu hút học sinh đến lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần. Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cho biết: Trường có gần 95% học sinh người Bahnar. Một trong những giải pháp thiết thực là tổ chức đa dạng hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao để thu hút các em đến lớp, trong đó có các trò chơi dân gian. Ngoài tổ chức cho học sinh thi đấu các môn: kéo co, bóng chuyền, nhảy bao bố, đổ nước vào chai, cướp cờ, bịt mắt bắt dê, đi xe đạp chậm... tại những đợt ngoại khóa, nhà trường còn lồng ghép các trò chơi dân gian vào chương trình “Trải nghiệm dưới cờ” hay sinh hoạt lớp vào thứ hai, thứ sáu hàng tuần. Từ chỗ hào hứng tham gia, các em đã thực sự cảm thấy mỗi ngày đến trường là một niềm vui, từ đó thích thú học tập và muốn gắn bó hơn nữa với thầy cô, trường lớp. “Đến trường vui lắm vì tụi em vừa được học chữ vừa được vui chơi. Em thích trò ô ăn quan nhất. Ngoài ra, những trò chơi khác cũng rất hấp dẫn và thú vị”-em Đinh Hlơr (lớp 7) phấn khởi bày tỏ.
Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã tạo được hiệu ứng tích cực trong học sinh lẫn phụ huynh. Ảnh: M.T
Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã tạo được hiệu ứng tích cực trong học sinh lẫn phụ huynh. Ảnh: M.T
Tương tự, nhờ đưa các hoạt động sinh hoạt tập thể, nhất là trò chơi dân gian vào trường học, vài năm trở lại đây, Trường Tiểu học xã Ia Phí (huyện Chư Pah) luôn duy trì tỷ lệ chuyên cần ở mức 99%. “Từ mô hình của các trường bạn, chúng tôi đã học tập và áp dụng thành công ở đơn vị mình. Lúc đầu tiếp cận, học sinh hơi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi được thầy cô hướng dẫn, các em đã có thể chơi thành thạo. Giờ ra chơi hay những tiết học thể dục ở trường đã không còn nhàm chán như trước, thay vào đó là không khí sôi nổi, đầy tiếng cười vui và reo hò, cổ vũ”-Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Cường thông tin.
Giữa những lo âu về tình trạng bạo lực học đường, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã phần nào giải tỏa nỗi lo thiếu sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh. Anh Nguyễn Quang Trung (tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Nhìn con hứng thú vui chơi cùng các bạn, chúng tôi cảm thấy rất vui. Không chỉ tạo ra môi trường thân thiện, gần gũi cho học sinh, việc đưa những trò chơi dân gian vào trường học còn góp phần đắc lực trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa khi chúng đang dần bị mai một giữa thời đại công nghệ số”.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm