Đưa vỏ bắp lên… bàn ăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với ý tưởng sáng tạo độc đáo, “không đụng hàng” là biến vỏ bắp thành bộ đồ dùng bàn ăn, sinh viên Lê Nguyễn Huyền Trang (huyện Kbang, Gia Lai) đã trở thành thủ khoa ngành Thiết kế công nghiệp, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp (Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh) trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp mới đây.
 

 

Ít ai ngờ rằng, những chiếc vỏ bắp lâu nay vốn không được ai ngó ngàng gì tới lại được cô sinh viên Huyền Trang (ảnh nhỏ)-cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương chọn làm vật liệu chính cho đồ án tốt nghiệp của mình. Đó là bộ đồ dùng bàn ăn xinh xắn với chén, dĩa, đũa, muỗng, ly… tất thảy đều làm từ vỏ bắp. Đồ án rất thân thiện với môi trường này đã giúp Trang trở thành thủ khoa ngành với số điểm 9,26.

Chia sẻ về ý tưởng độc đáo trên, Huyền Trang kể lại: Mỗi sinh viên có 4 tháng làm đồ án tốt nghiệp. Thích sáng tạo với những vật liệu thiên nhiên nên bạn trẻ này đã mất hơn 1 tháng mày mò, tìm hiểu, thử nghiệm với những vật liệu khác nhau như sen, dừa nước, lá dong... nhưng đều bất thành. Cuối cùng, Trang chợt nghĩ đến… vỏ bắp. Để có nguyên liệu làm đồ án, Trang tìm đến những cô bán bắp luộc xin vỏ về phơi khô rồi nghiên cứu hướng xử lý nhằm chống thấm, chống mốc, đảm bảo tính năng sử dụng cũng như nguyên tắc vệ sinh. Sau đó, Trang mới tiến hành các công đoạn cắt, dán, dùng khuôn tạo hình cho những vỏ bắp này thành đồ dùng trên bàn ăn sao cho đẹp mắt, tinh tế và có giá trị sử dụng cao. Nhưng lạ mắt nhất là nhiều sản phẩm vẫn còn giữ nguyên cuống bắp, bên trong nổi rõ từng sớ gân đặc trưng của vỏ bắp khiến người xem không khỏi tò mò, thích thú và thán phục khả năng sáng tạo.

Nói về tính ứng dụng của đồ án, Huyền Trang cho biết bộ đồ dùng bàn ăn này có thể sử dụng đựng đồ ăn vặt, các món thức ăn đường phố như gỏi, kem, xôi, xúc xích… Theo tính toán, mỗi sản phẩm có giá chưa tới 400 đồng kể cả chi phí nguyên liệu, công xử lý, không đắt hơn nhiều so với các loại vật dụng thông thường hiện nay như hộp xốp, ly nhựa… Theo Trang, bộ sản phẩm trên cũng có thể sử dụng tại các buổi tiệc buffet ngoài trời hoặc trong nhà hàng. “Qua khảo sát thực tế đối với một số cửa hàng bán đồ ăn nhanh và khách hàng, đa số đều cho biết sẽ sẵn lòng sử dụng nếu sản phẩm được bán rộng rãi trên thị trường bởi vật liệu hoàn toàn thiên nhiên, tạo cảm giác an toàn, ngon mắt-ngon miệng cho thực khách”-Trang vui vẻ cho hay.

 

Ảnh do nhân vật cung cấp.
Ảnh do nhân vật cung cấp.

Tại buổi bảo vệ đồ án, các giảng viên trong hội đồng đều nhất trí rằng  những chiếc ly, chén, muỗng… này thu hút ở sự thô mộc nhưng vẫn có độ bền và có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, các thầy cô vẫn mong muốn Trang nghiên cứu và sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng khác nữa, nhất là những sản phẩm có kích cỡ lớn hơn, chịu lực tốt hơn, đựng được các món ăn có nhiều nước... Nhưng với Trang, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng như sản xuất với số lượng lớn và đưa sản phẩm ra thị trường vẫn là điều cô chưa tính tới, bởi hiện Trang khá bận rộn do đang tiếp tục theo học văn bằng 2 ngành Thiết kế nội thất. “Dù sao, đây cũng là tiền đề tốt để sau này em có thể theo đuổi công việc sắp đặt ý tưởng, thiết kế nội thất trong tương lai”-Huyền Trang chia sẻ về những dự định sắp tới.

Phương Duyên

“Thường thì vật liệu bằng lá ở các nước cũng có ứng dụng. Nhưng làm nguyên bộ đồ dùng bàn ăn thì rất ít. Cũng cần nói thêm vật liệu từ lá ở các nước đôi khi chỉ lấy phần thịt lá làm sản phẩm, nên phần nào làm mất hình dạng của lá. Còn đồ án của Huyền Trang lại để nguyên cuống của trái bắp. Nguồn gốc sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ gây được cảm giác thích thú hơn”-Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang-Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, giáo viên hướng dẫn đồ án tốt nghiệp của Huyền Trang.

Có thể bạn quan tâm