Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đức Cơ: Khó khăn trong thu hồi đất trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, huyện Đức Cơ đã tích cực triển khai công tác thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng. Tuy nhiên, công tác này đang  gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Đức Cơ, toàn huyện có khoảng 8.257 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Trong đó, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Đức Cơ có 4.570 ha và các xã quản lý có 3.867 ha. Theo kế hoạch, đến năm 2019, huyện sẽ thu hồi hơn 2.131 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng (các xã trồng 1.324 ha và Ban QLRPH Đức Cơ trồng 807 ha).

 

Diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm để trồng lúa và trồng mì tại khu vực biên giới huyện Đức Cơ. Ảnh: L.N
Diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm để trồng lúa và trồng mì tại khu vực biên giới huyện Đức Cơ. Ảnh: L.N

Năm 2017, UBND tỉnh giao cho huyện Đức Cơ trồng 53,88 ha rừng (tương ứng với 53.880 cây trồng phân tán) và giao cho Ban QLRPH Đức Cơ trồng 100 ha rừng tập trung.  Đến nay, toàn huyện đã trồng rừng phân tán được 34 ha, tương đương 34.000 cây tại các tuyến đường, địa điểm công cộng, khuôn viên trường học, công sở các xã, thị trấn. Còn 100 ha rừng tập trung thì chưa triển khai được.  

Thực tế việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng rừng trên địa bàn huyện Đức Cơ gặp không ít khó khăn. Hiện nay, trong hơn 3.867 ha rừng tại các xã bị lấn chiếm thì mới chỉ có 9,6 ha của 6 hộ dân tại xã Ia Pnôn được thu hồi và tổ chức trồng rừng. Gia đình ông Puih Hlueh (làng Bua, xã Ia Pnôn), một trong 6 hộ dân trả lại đất cho địa phương trồng rừng, cho biết: “Khi nghe cán bộ huyện và xã đến tuyên truyền, vận động bàn giao lại đất lấn chiếm cho Nhà nước, tôi và bà con nghiêm túc chấp hành. Hiện tôi đã bàn giao 2,6 ha đất tại khoảnh 10, tiểu khu 723 cho địa phương để trồng rừng.

Trên diện tích này, gia đình tôi đã trồng 2.600 cây bạch đàn, 2.600 cây keo lai và trồng xen cây mì. Vì vậy, gia đình mong muốn huyện và xã quan tâm hỗ trợ gạo, tiền để tiếp tục chăm sóc diện tích đó”. Ông Nhâm Văn Tiến-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, cho hay: “Chúng tôi đã vận động nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Pnôn để trồng rừng cho bà con. Đến nay, chúng tôi đã trồng được 9,6 ha. Theo kế hoạch, trong 3 năm (2017-2019), xã Ia Pnôn sẽ thu hồi 121 ha đất rừng bị lấn chiếm. Đây là nhiệm vụ rất khó thực hiện bởi người dân đã trồng cây điều và một số cây ngắn ngày khác trên những diện tích đất nói trên”.

Tại Ban QLRPH Đức Cơ hiện có khoảng 4.570 ha rừng bị người dân lấn chiếm từ nhiều năm, đang canh tác các loại cây trồng như điều, cà phê và một số loại cây ngắn ngày. Vì vậy,  năm 2017, Ban QLRPH Đức Cơ đăng ký trồng 100,74 ha rừng nhưng không thực hiện được. Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Trưởng ban QLRPH Đức Cơ, cho biết: “Năm 2017, đơn vị rà soát được 45 điểm với tổng diện tích là 100,74 ha để trồng rừng. Đơn vị đã tuyên truyền và đa số người dân đồng tình ủng hộ việc thu hồi diện tích đất này để giao cho người dân trồng rừng. Tuy nhiên, do kinh phí xin tạm ứng để mua cây giống chậm được giải quyết nên không kịp thời vụ trồng rừng. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các xã tiếp tục cho người dân kê khai và đăng ký trồng rừng. Khó khăn nhất trong việc thu hồi là diện tích các loại cây dài ngày như cà phê, điều, cao su đang cho thu hoạch cao và ổn định, người dân đã sản xuất lâu năm. Khả năng chỉ có thể thu hồi được những diện tích người dân trồng cây ngắn ngày như mì, lúa rẫy”.  

Trước thực tế trên, UBND huyện Đức Cơ đã xây dựng phương án thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Các lực lượng chức năng và chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân biết rõ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng là vi phạm pháp luật. Đối với những diện tích đất rừng sau khi giải tỏa thu hồi thì giao lại cho các chủ rừng và địa phương quản lý.

Đồng thời, chủ rừng phải xây dựng phương án trồng rừng trên diện tích thu hồi, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt phương án, giải pháp về cây giống, kỹ thuật, kinh phí trồng rừng. Ông Bùi Quang Thịnh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ, cho biết: “Trong khoảng 8.257 ha đất rừng bị lấn chiếm thì chúng tôi đã thống kê xong diện tích đất trống, diện tích đã trồng cây ngắn ngày, cây dài ngày... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với huyện là thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng. Bởi qua điều tra khảo sát thực tế để lập dự án thì phần lớn diện tích bị lấn chiếm người dân đã canh tác lâu năm, trồng cây dài ngày trên đó và cho thu nhập ổn định.

Hơn nữa, đa số các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số chưa quen trồng rừng, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, có biểu hiện ỷ lại nên việc tuyên truyền, vận động cũng như triển khai thực hiện kê khai đăng ký trồng rừng hết sức khó khăn. Phần lớn các hộ dân né tránh, không hợp tác... Chúng tôi đã báo với UBND huyện để có giải pháp thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm. Huyện cũng đang tính đến phương án phải cưỡng chế thu hồi đất để trồng rừng”.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm