(GLO)- Trước nguy cơ bùng phát các loại bệnh truyền nhiễm ở người trong giai đoạn chuyển mùa, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng-chống bệnh truyền nhiễm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Ông Rơ Mah Thương-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ cho biết: Từ đầu năm đến nay, tại huyện Đức Cơ, công tác phòng-chống dịch bệnh ở người được triển khai tích cực. Nhờ đó, đến hết tháng 5-2016, toàn huyện ghi nhận 14 ca mắc sốt rét, 4 ca sốt xuất huyết, 4 ca tay chân miệng, 1 ca mắc thủy đậu. Tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm còn ở mức thấp là do người dân đã ý thức hơn trong việc tự phòng bệnh, đồng thời trong giai đoạn mùa khô, khí hậu nắng nóng khiến các mầm bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét không có cơ hội bùng phát gây bệnh cho người.
Ngành Y tế đang triển khai nhiều biện pháp phòng-chống bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Đ.T |
Tuy vậy, trong thời điểm chuyển mùa hiện nay, khi mưa xuất hiện ngày càng nhiều, độ ẩm trong không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh trùng, vi rút gây bệnh cho người sinh sôi. Trong đó, sốt xuất huyết là loại bệnh thường bùng phát trong thời điểm chuyển giao giữa mùa mưa và mùa nắng. Trong khi đó, nhiều năm trở lại đây, Đức Cơ là một trong những huyện có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết khá cao trong tỉnh.
Nhằm chủ động phòng-chống các bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người trong giai đoạn chuyển mùa, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu y tế quốc gia và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Sau đó, Ban Chỉ đạo đã họp và triển khai kế hoạch phòng-chống các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; phân công các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi diễn biến các loại dịch bệnh để có kế hoạch phòng tránh kịp thời.
Riêng Trung tâm Y tế huyện đã triển khai nhiều hoạt động để phòng-chống. Cụ thể, Trung tâm đã tổ chức các đoàn đi giám sát tại các địa bàn trọng điểm, tập huấn kiến thức cho cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, Trung tâm đã cấp hóa chất và hướng dẫn cách khử trùng tại các nhà trẻ, mẫu giáo vùng có nguy cơ lây truyền cao để phòng bệnh tay chân miệng; tổ chức phun hóa chất và tẩm màn phòng trừ sốt xuất huyết, sốt rét; tiếp tục duy trì và có kế hoạch cụ thể tổ chức tiêm chủng mở rộng, tiêm vắc xin phòng các bệnh như: sởi, uốn ván sơ sinh, viêm não Nhật Bản…
Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ cũng phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra giám sát tại các xã để nắm bắt tình hình dịch bệnh; tổ chức tập huấn công tác phòng-chống bệnh truyền nhiễm và phát động phong trào toàn dân dọn vệ sinh môi trường, tiêu diệt các ký sinh trùng gây bệnh cho người. Chú trọng tuyên truyền tác hại của bệnh tật và cách phòng tránh các loại bệnh truyền nhiễm cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những xã xa, những thôn làng giáp ranh đường biên giới với Campuchia. Thiết lập đường dây nóng, túc trực 24/24 giờ để nhận thông tin về dịch bệnh, kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Tổ chức giám sát dịch bệnh tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để kịp thời phát hiện các loại bệnh nguy hại có thể lây lan từ Campuchia qua.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã đề ra phương án cụ thể, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, giường bệnh khi có dịch xảy ra nhằm nhanh chóng đưa ra biện pháp khống chế dịch nhanh nhất, mục đích giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ người mắc và tử vong.
Cũng theo ông Rơ Mah Thương, công tác phòng-chống dịch truyền nhiễm sẽ hiệu quả hơn nếu có sự chung tay của các cấp chính quyền trong việc đầu tư thêm cơ sở vật chất hạ tầng, tăng cường truyền thông trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, bản thân mỗi người dân, gia đình phải nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của mình trong việc phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh và đến các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi tình trạng bệnh tật, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
Hoành Sơn