Ngay trong đêm 25-3, thêm 3 bệnh nhân bị ngộ độc liên quan đến việc sử dụng patê chay ở Bình Dương phải nhập viện. Liên quan đến vụ việc, trước đó đã có 1 phụ nữ tử vong, hiện con gái và chị gái của bệnh nhân này vẫn đang được điều trị.
Vụ ngộ độc thực phẩm trên rất nghiêm trọng và số người tham dự bữa ăn còn nhiều nhưng chưa được theo dõi sức khỏe đầy đủ. Ngoài TP HCM yêu cầu ngưng sử dụng patê chay thì cho đến nay, các cơ quan chức năng, kể cả cơ quan y tế, vẫn chưa truy được nguồn thực phẩm gây ngộ độc và chưa có cảnh báo cụ thể nào đối với người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa những nạn nhân tiềm tàng có thể vẫn còn, bởi mối nguy hiểm đang trên đường đến bữa ăn của người dân.
Nói đến ngộ độc patê chay chắc hẳn ai cũng còn nhớ nỗi kinh hoàng mang tên Pate Minh Chay diễn ra khoảng tháng 8-2020. Chất độc trong Pate Minh Chay làm hàng loạt người phải nhập viện và đã có người sau một thời gian điều trị vẫn không qua khỏi. Khi những nạn nhân ban đầu đặt nghi vấn ngộ độc từ thực phẩm này, các cơ quan y tế chuyên ngành rất chậm chạp mới xác định được độc tố. Trong thời gian dài chưa bị cấm sử dụng, patê độc hại này tiếp tục được đưa ra thị trường đến tay người tiêu dùng. Vụ việc nghiêm trọng đến độ TP HCM phải tức tốc cảnh báo đến 1.300 khách hàng đã mua sản phẩm Pate Minh Chay, đề nghị người dân ngừng sử dụng tức khắc.
Qua vụ việc trên, các cơ quan chức năng đã thấy hàng loạt lỗ hổng trong quản lý thực phẩm đóng hộp. Từ việc tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm nhưng sự lơ là của các cơ quan kiểm tra đã không ngăn được nguy cơ ngộ độc ra thị trường. Sự phản ứng chậm chạp của cơ quan y tế trong việc truy nguồn độc tố đã không kịp ngăn chặn mối nguy hiểm. Những lỗ hổng này tưởng chừng đã được khắc phục nhưng có vẻ không hiệu quả và vụ ngộ độc ở Bình Dương là minh chứng quá cụ thể.
Cũng cần nhắc lại, độc tố Botulinum được xem là chất độc sinh học mạnh nhất mà con người từng biết đến. Nó được sản sinh bởi vi khuẩn Clostridium Botulinum có trong các loại thực phẩm đóng hộp. Nếu điều kiện chế biến, bảo quản không đủ an toàn, nguy cơ ngộ độc bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Cả 2 vụ ngộ độc patê chay trên đều được các chuyên gia chống độc xác định do độc tố Botulinum.
Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế công bố vào tháng 6-2020, từ năm 2015-2019, cả nước ghi nhận 1.556 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 47.400 người mắc; trong đó có 271 người chết, hơn 40.000 người phải nhập viện điều trị. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2020 có 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm chết 22 người.
Con số rất đáng sợ! Và càng đáng sợ hơn khi có những loại độc tố do nuôi trồng mất an toàn, sử dụng hóa chất tùy tiện để kiếm lợi, dùng chất kích thích độc hại... ngấm dần vào thực phẩm nhưng vẫn có nhiều đường để đưa ra thị trường. Những loại thực phẩm này chưa được cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, đang âm thầm lên bàn ăn của chúng ta hằng ngày và sự tàn phá của nó đối với cơ thể là không thể tưởng tượng nổi.
Theo Phạm Hồ (NLĐO)