Thời sự - Bình luận

Đừng để có lỗi với dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tại hội nghị tổng kết thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã nói rằng sẽ là lỗi lớn, là khuyết điểm nếu để nguồn vốn vay chậm tới tay người nghèo.

Ông Nên nhấn mạnh, cần có giải pháp để nguồn vốn vay nhanh chóng đến tay người nghèo; không để họ phải chạy vạy ở ngoài, đi vay nóng, bị mất đi cơ hội cải thiện thu nhập, đời sống.


 

Người nghèo cần vốn để có cơ hội cải thiện cuộc sống. Ảnh: Xuân Khánh
Người nghèo cần vốn để có cơ hội cải thiện cuộc sống. Ảnh: Xuân Khánh


Vấn đề mà ông Nên nói xuất phát từ thực trạng hai năm qua (năm 2021 và 2022), TP.HCM vẫn chưa bố trí được nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo (trước đây gọi là Quỹ xóa đói giảm nghèo) và giải quyết việc làm. Đây là 2 chương trình tín dụng ưu đãi chủ lực để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của TP.

Lý do mà UBND TP.HCM nêu ra là vì còn các ý kiến khác nhau trong công tác tham mưu nguồn vốn giữa Sở KH-ĐT và Sở Tài chính nên UBND TP.HCM chưa trình HĐND TP.HCM bố trí nguồn vốn. Nay UBND TP.HCM kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép trình HĐND TP.HCM thông qua, bố trí nguồn vốn ngân sách hơn 5.326 tỉ đồng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

Việc chậm phân bổ nguồn vốn vay đã được đề cập trong nhiều cuộc làm việc của HĐND TP.HCM 2 năm qua và Thanh Niên cũng đã có nhiều bài phản ánh.

Gần đây nhất, tháng 6.2022, người viết tham dự buổi giám sát đối với UBND TP.HCM về công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình chia sẻ với PV rằng ông thấy bức xúc khi hiện nay rất nhiều hồ sơ của hộ nghèo, hộ cận nghèo chất chồng, không được giải quyết vì TP chưa bố trí nguồn vốn. Trong khi đó, hầu hết các tỉnh thành cả nước đều thực hiện được.

Trước thực trạng bẫy tín dụng đen đang bủa vây và gây ra biết bao nhiêu hệ lụy tới đời sống của người dân lao động nghèo, các cơ quan chức năng không thể giậm chân tại chỗ, phải bằng cách nào đó ngồi lại tìm hướng khơi thông nguồn vốn vay và hướng đến đơn giản hóa các quy trình, thủ tục cho người dân…

Theo Lê Trọng (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm