(GLO)- Hiện nay, lượng người tham gia các mạng xã hội ngày càng tăng, riêng mạng facebook có 24 triệu người tham gia, chiếm hơn 1/4 dân số nước ta. Mạng xã hội có rất nhiều mặt tích cực như: thương mại điện tử, nghiên cứu, học tập, thông tin liên lạc kết nối rất nhanh, chia sẻ, tìm kiếm thông tin… nhưng bên cạnh đó cũng không ít phiền toái, tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật… Vậy phải ứng xử như thế nào để không vi phạm pháp luật?
Ảnh minh họa nguồn internet |
Trong xã hội văn minh, con người đối xử với nhau phải văn minh, lịch sự. Nhưng trong xã hội hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, con người càng có xu hướng ứng xử thô bạo với nhau. Không những trong cuộc sống thực tế hàng ngày mà còn thể hiện trong thế giới ảo. Tuy nhiên, khoảng cách giữa đời sống đời thường và đời sống ảo rất gần. Nhiều vụ án giết người, cướp của, hiếp dâm có nguyên nhân từ mạng internet. Có thể nói rằng tốc độ phát triển internet của nước ta rất nhanh, song bên cạnh đó có “Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”-Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI).
Trên mạng hiện nay bên cạnh những thông tin tốt đẹp, là kho tri thức của nhân loại lại có những nội dung phản cảm, dung tục, thậm chí như cái chợ đầy rác rưởi. Tuy nhiên, đối với một bộ phận không nhỏ người sử dụng internet thoải mái, vô tư đưa lên mạng những lời lẽ, hình ảnh, video clip nhạy cảm hoặc cảnh “giường chiếu”, dung tục. Những nội dung này vi phạm pháp luật nhưng người đưa lên không biết hoặc biết nhưng vẫn thực hiện.
Điều 121 Bộ luật Hình sự quy định về tội làm nhục người khác như sau: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Theo đó, việc đưa clip sex, hình ảnh “nóng”, kèm những thông tin cụ thể về nhân thân, lai lịch của một người nhằm xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người đó là có dấu hiệu cấu thành tội làm nhục người khác theo điều luật đã viện dẫn trên. |
Theo quy định của pháp luật hình sư, hành vi đưa thông tin trái phép lên mạng internet có thể phạm vào các tội: tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet (Điều 226); tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 253); tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số (Điều 224); tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số (Điều 225)…
Cùng với đó việc khai thác thông tin trên mạng cũng phải theo quy định của pháp luật, chứ không được tùy tiện. Khoản 4 Điều 20 Nghị định 72 của Chính phủ quy định: “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”.
Theo điều luật trên, các trang thông tin điện tử cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp. “Thông tin tổng hợp” là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chỉ trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mới được quyền cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.
Gần đây, ở Gia Lai cũng có những trường hợp bị khởi tố liên quan đến hành vi bắt giữ người trái pháp luật, làm nhục người khác mà có sử dụng mạng xã hội facebook để đưa hình ảnh bắt giữ 1 em bé có hành vi lấy sách của siêu thị. Vụ việc đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh những ai coi thường danh dự, nhân phẩm người khác.
Thiết nghĩ, khi sử dụng mạng internet, mọi người cần có suy nghĩ chín chắn, đừng vì thiếu hiểu biết, tỏ vẻ “anh hùng bàn phím” mà vi phạm pháp luật.
Nguyễn Quang Quý