Đường 7: Xưa và nay...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cheo Reo và đường 7 cách đây 40 năm đầy bom đạn và những cuộc chiến khốc liệt, buôn làng điêu tàn… nay là quốc lộ 25 rộng mở, những buôn làng trù phú, những thị trấn, thị tứ sầm uất như: Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa nối tiếp mọc lên giữa màu xanh bạt ngàn của cây trồng các loại.

 

Đường 7 (từ Gia Lai về Phú Yên) được xác định là tuyến giao thông quan trọng, trong đó cầu và đồn Klóa là những vị trí trong thế trận tập kích địch hành quân hoặc rút chạy. Sau khi lấy lời khai của những hàng binh, Đại đội 303 (Tỉnh đội Đak Lak) cùng Huyện đội H2 (Cơ quan Quân sự huyện Krông Pa-Gia Lai) đã phối hợp tấn công đánh địch ở đồn và cầu Klóa trên đường 7 (quốc lộ 25 ngày nay). Sau hai ngày đêm anh dũng chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt phản công của địch, đồn Klóa, “chiếc đinh” găm trên đường 7 đã bị nhổ bỏ. Chiến thắng này đã củng cố niềm tin cho bà con trong vùng kháng chiến, nhiều người mừng vui kéo nhau về lại buôn làng, cùng với bộ đội củng cố hậu phương, chuẩn bị cho những trận đánh lớn.

Buôn Ma Thuột thất thủ, Nguyễn Văn Thiệu tuyệt vọng ra lệnh cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú-Tư lệnh Quân đoàn II Ngụy rút quân về đồng bằng để “bảo tồn lực lượng”. Đường 7 là con đường gần nhất để tháo lui, bởi lúc đó tuyến quốc lộ 19 xuôi về Bình Định, đã bị các đơn vị của Quân đoàn 3 và Tỉnh đội Gia Lai chiếm giữ, phục kích.

Hơn 15 ngàn tên địch thuộc Quân đoàn II Ngụy từ tỉnh Kon Tum và Gia Lai, đã theo đường 7 rút về Phú Yên. Kiên quyết không để cho địch chạy thoát, Sư đoàn 320, Trung đoàn 95 (Binh đoàn Tây Nguyên) và bộ đội địa phương của ta, dựa vào địa hình đã chặn đánh địch... Đoạn đường từ cầu Sông Bờ đến cây cầu Sung và đèo Tô Na chưa đầy 4 km, giữa hai cây cầu là vị trí phục kích của Sư đoàn 320. Cuộc tháo chạy về Phú Yên của địch bị ngăn chặn.

Trong trận này, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo (lúc đó là Trung đội trưởng-thuộc Tiểu đoàn 303) đã bắn cháy một chiếc xe tăng và tiêu diệt hơn 10 tên địch. Đặc biệt tại trận này, đã xuất hiện gương chiến đấu anh dũng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vi Hợi-một mình bắn cháy 7 xe tăng địch, góp phần viết nên bản anh hùng ca đường 7, góp phần mở đường từ Tây Nguyên cho quân và dân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trở lại đường 7, trở lại Cheo Reo năm xưa, dấu tích chiến tranh giờ đã bị thời gian xóa nhòa, thay vào đó là một màu xanh tươi tốt của cây trái.

 

 Buôn Kte hôm nay. Ảnh: Lê Quang
Buôn Kte hôm nay.  Ảnh: Lê Quang

Xuống đèo Chư Sê, ngút ngàn tầm mắt là những cánh đồng lúa trĩu bông. Công trình đại thủy nông Ayun Hạ đã cho cao nguyên một vựa lúa 2 vụ. Công trình thủy lợi Ayun Hạ trở thành một cây gậy có phép lạ xua đi cái đói ngàn đời từng đè nặng lên cuộc sống đồng bào các dân tộc… Hạt lúa đã tạo ra kỳ tích trên cánh đồng Ayun Hạ. Ông Rơ Chăm La Ni-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện, khẳng định: “Không riêng gì làng mình, khắp các buôn làng ở thung lũng Ayun Hạ này đều có xe công nông, máy xới đất. Những hộ khá giả, mùa về có trên vài trăm bao lúa. Hạt lúa đem lại cuộc sống no ấm cho bà con mình! Nó là cơ sở để thúc đẩy nhanh hơn chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương...”.

Cùng gia đình thu hoạch vụ mía đầu năm, không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, ông Nay Phong (67 tuổi) người dân tộc Jrai ở xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa bộc bạch: “Tháng 3 về cũng là thời gian cuối vụ thu hoạch mía rồi. Năm nay, gia đình mình trồng được 3 ha mía, năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha. Nếu bán 900 ngàn đồng/tấn, chi phí hết, nhà mình cũng thu về trên 500 triệu đồng. Diện tích mía của bà con mình ở Ayun Pa khoảng 705 ha, giá mía bán như hiện nay thì đời sống bà con có bước phát triển, cái đói, cái nghèo đẩy lùi ra xa”.

Dọc theo đường 7, ở vùng “đất khát” Krông Pa, ngoài trồng trọt thì chăn nuôi luôn là một thế mạnh. Không giấu được niềm vui, ông Ksor Suông-Trưởng thôn buôn Sai, tiếp chúng tôi trong một căn nhà mới xây khá đẹp, cho biết: “Buôn Sai có 272 hộ, 1.284 khẩu, có 300 ha lúa, 250 ha mì, nếu được mùa, được giá, mỗi ha thu lời từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng, nhà nào cũng có tiền”. Ông Rơ Ô Mul-một nông dân sản xuất giỏi của buôn Sai nói: “Tài sản lớn của buôn là 2.000 con bò. Nhà ít có dăm ba con, nhà nhiều có đến năm sáu chục con. Cả buôn Sai có hơn 120 hộ, thì có đến 50 hộ có thu nhập mỗi năm dăm bảy chục triệu đồng nhờ nuôi bò”. Chăn nuôi bò không chỉ là thế mạnh của buôn Sai mà là của cả huyện Krông Pa.

Chúng tôi đến buôn Kte, xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện), những căn nhà bề thế chói lòa dưới ánh nắng. Tiếng xe công nông chở lúa, tiếng máy xay xát đan nhau ồn ã như một thị trấn nhỏ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây rất đẹp, ông Đinh Bắc-Trưởng thôn buôn Kte cho biết: “Các anh thấy đấy, cuộc sống bây giờ của bà con mình sướng quá. Muốn cá có cá, muốn cơm có cơm; người Jrai mình bây giờ đâu còn phải lo cái ăn nữa. Sự thật 100%, nhưng nhiều người cứ ngỡ như mơ…”.

Uống cạn ly trà, ông Đinh Bắc cho biết thêm: “40 năm qua rồi, hồi ấy buôn Kte ở tận trong rừng kia, đời sống bà con khổ cực lắm, bên những mái nhà tranh xác xơ. Người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cuối năm cũng thu về được chục giạ lúa, thiếu đói, bệnh tật nối tiếp… Nếu như không có cái ngày 17-3, rồi sau đến là ngày 30-4 giải phóng, bây giờ được hưởng lợi từ dự án “xây dựng nông thôn mới”, có “điện, đường, trường, trạm”, người dân lại biết trồng lúa nước, bắp lai, mía và cả cây mì nên đời sống “muốn gì có đó…”. Nói rồi Trưởng thôn buôn Kte cười rất vui, một nụ cười mãn nguyện.

40 năm đi qua, Cheo Reo xưa nay đã đổi sắc hoàn toàn, cánh đồng Ayun Hạ, đèo Tô Na, Bến Mộng, thung lũng Hồng và Suối Đá… của vùng đất Ayun Pa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn là những điểm du lịch lý tưởng, níu chân du khách gần xa…

Lê Quang

Có thể bạn quan tâm