(GLO)- 1. Anh Tuấn và chị Nghi vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước công tác tại huyện Chư Pah cũ (nay là Ia Grai). Anh là giáo viên cấp I dạy ở một xã vùng xa còn chị là y tá của trạm y tế xã. Ngày ấy, thu nhập hàng tháng của vợ chồng anh chị thuộc vào loại khá.
Bởi lẽ, ngoài đồng lương thì khoản tem phiếu lương thực và thực phẩm so với những gia đình khác anh chị đủ chi dùng cho nhu cầu thiết yếu, tất nhiên là trên mặt bằng chung bấy giờ. Sau buổi dạy, anh còn làm thêm rẫy lúa, trên đất vườn trồng rau, nuôi gà, vậy là rủng rỉnh.
Ảnh minh họa |
Thế nhưng, khoảng hơn 10 năm sau, có lẽ do áp tiêu chuẩn viên chức hay do sức hấp dẫn của ánh sáng phố thị, anh chị chuyển về TP. Pleiku sinh sống. Do chưa đủ tuổi làm chế độ nghỉ hưu nên sau đó cả 2 đều hưởng trợ cấp một lần. Bẵng một thời gian dài không gặp, mới đây gặp lại anh chị, tôi rất bất ngờ: anh Tuấn bị bệnh người gầy nhom. Hỏi thăm thì được biết, mấy năm nay, anh chỉ quanh quẩn trông nhà. Sinh kế gia đình hầu như phó thác cho một mình chị bươn chải, may mà các con đều đã trưởng thành và có việc làm.
Chị Nghi hàng ngày lặn lội vào tận vườn, rẫy ở các làng xa thuộc huyện Chư Prông, Chư Sê mua chuối xanh chở về bán. Chiếc xe máy cà tàng của chị vậy mà chở được đến hơn hai chục buồng, chuối buộc trên yên, chuối buộc cả hai bên xe, người lái không thể nhìn được gương chiếu hậu. Hỏi chị sao chở được nhiều như vậy, chị tháo khẩu trang, gạt mồ hôi rồi cười chỉ cho tôi món “bửu bối” là cây gậy tre nhỏ đã bóng nước, có cháng ba để xe tựa vào. “Mình ngồi lên nổ máy rồi rút cây, nếu ngừng lại trước khi xuống thì chống cây gậy tre đỡ xe”-chị Nghi lại cười nhẹ và giải thích như vậy.
Ngày nào cũng vậy, cứ mờ sáng, ăn cơm xong là chị lại đi. Chị Nghi kể: Làm nghề này việc nặng nhọc nhất là hạ buồng, đốn cây cho người bán đâu vào đó trước khi vác buồng chuối nặng trên vai đưa ra xe. Rồi buộc sao cho buồng sau tiếp buồng trước, hôm nào mua được ít cũng trên chục buồng. Trưa thì dừng đâu ăn đấy, đã có cơm mang theo từ nhà. Chuối mua về, chị bán lại cho một đầu nậu ở Pleiku. Người này mua tất, chuối gì cũng mua, từ chuối mốc, chuối tiêu cho đến chuối cau, chuối già hương… sau đó tự ủ cho chuối chín hườm hườm rồi bỏ lại cho các điểm bán trái cây trong và ngoài tỉnh.
Mua bán chuối tuy nặng nhọc nhưng hàng ngày cũng mang lại cho chị Nghi một khoản thu vài trăm ngàn đồng, chí ít cũng hơn trăm ngàn đồng. Một buồng chuối mốc hơn chục nải mua tại gốc không đến một trăm ngàn đồng nhưng khi đến tay người dùng thì một nải trung bình đã trên hai chục ngàn đồng. Ấy là ngày thường, còn ngày rằm, mùng một giá gấp đôi và ngày Tết thì giá tăng đến gấp bốn, gấp năm lần!
Bao nhiêu năm qua, nhờ vào những chuyến xe đi về đầy ắp chuối như vậy mà chị nuôi được cả gia đình cho đến nay.
2. Láng giềng của tôi là gia đình anh chị Dương. Nhỏ hơn tôi chừng vài ba tuổi, anh Dương trước đây làm ở một đơn vị thuộc ngành Giao thông-Vận tải, vợ anh hiện là viên chức một đơn vị sự nghiệp. Dương nghỉ nhận chế độ phụ cấp một lần, nghe nói lúc đó chỉ khoảng trên dưới trăm triệu đồng. Chẳng biết thu nhập hàng tháng của gia đình anh chị thế nào nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng cuối tháng 11 Âm lịch, anh chị lại tất bật với công việc làm hàng bán Tết: mứt gừng, mứt me, chùm ruột, dưa chua… Anh còn làm thêm cả rượu dâu, rượu chuối. “Chủ yếu là cung ứng cho bạn bè của mình và đồng nghiệp của các con, anh à”-anh Dương chia sẻ với tôi. Theo anh, nhờ làm thủ công và bảo đảm chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên hàng Tết của anh chị luôn được nhiều người tín nhiệm. Mình không làm không được! Cứ gần cuối năm là họ lại nhắc làm để đặt hàng”-anh Dương cười nói thêm.
Cuộc sống hàng ngày cứ dần qua, không chỉ sôi động, hối hả mà còn có nhịp đập nhẹ khẽ của những cuộc đời bình lặng. Đây đó quanh ta vẫn có những con người lặng lẽ mưu sinh. Với họ, sau một ngày làm lụng vất vả, chiều tối được trở về căn nhà sum họp cùng người thân của mình vậy là hạnh phúc, góp phần làm nên bức tranh muôn màu, muôn vẻ của cuộc sống đời thường.
Thanh Phong
(tên các nhân vật đã được thay đổi)