Đường qua sông Tul mở ra cơ hội thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 4 tháng khởi công xây dựng, công trình đường vào khu sản xuất xã Ia Tul do Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư xây dựng được đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của người dân các xã Ia Tul, Ia Broăi và Chư Mố (huyện Ia Pa). Công trình không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất mà còn tạo động lực cho người dân nơi đây vươn lên cải thiện chất lượng cuộc sống.

Dẫn chúng tôi ra thăm công trình, ông Võ Tấn Công-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ia Pa cho biết: Con đường vào khu sản xuất xã Ia Tul là công trình kết nối cấp huyện với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng, được xây dựng bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, dài 188 mét, rộng 5 mét, cao trên 2 mét. Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ia Pa đã chuẩn bị kỹ từ khâu giải phóng mặt bằng đến thi công công trình. Trong quá trình triển khai, Ban cùng với Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai đi khảo sát thực tế địa hình phục vụ cho việc thiết kế và kiểm tra, thẩm định khâu phê duyệt hồ sơ thiết kế. Đồng thời, theo dõi hàng ngày công tác thi công và kiểm soát tất cả các khâu vật tư đầu vào nên công trình được thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới.

 

Đường vào khu sản xuất xã Ia Tul. Ảnh. H.T
Đường vào khu sản xuất xã Ia Tul. Ảnh. H.T

Từ buôn Biah C (xã Ia Tul) nhìn qua bên kia sông Tul sẽ thấy đường vào khu sản xuất xã Ia Tul hiện ra cao ráo, cứng cáp và sạch sẽ. Mỗi buổi chiều, con đường trở nên rộn rã hơn bởi bước chân trở về của người dân sau một ngày lam lũ trên cánh đồng Ia Tul màu mỡ. Ông Rah Lan Trú (Trưởng thôn Biah C) cho biết: Từ khi đường vào khu sản xuất được hoàn thành, bà con nơi đây mừng lắm. Con đường được xây dựng đã tạo rất nhiều thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của người dân.
 

Ông Siu Sứ cho biết: “Cùng với việc đầu tư làm đường vào khu sản xuất, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ia Pa và UBND huyện còn đầu tư thêm 2 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án 293 của Chính phủ để đổ bê tông thêm đoạn đường từ đường chính vào khu sản xuất Ia Tul (dài 1,5 km). Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của bà con 3 xã mà còn tạo điều kiện giúp xã Ia Tul thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã”.

Đưa ánh mắt qua bên kia sông-nơi có hơn 40 ha lúa nước và mì của người dân buôn Biah C đang xanh tốt, ông Trú cho biết thêm: “Trước đây, để qua được bên kia đồng, người dân trong buôn đều phải lội qua sông Tul. Mùa mưa, nước sông dâng cao, người dân không qua được nên mọi công đoạn sản xuất đều bị ngưng trệ. Có thời điểm lũ về đúng vụ thu hoạch lúa, bà con không dám qua sông cắt lúa. Sau này nước rút thì hạt lúa đã nảy mầm hết nên thu chẳng được bao nhiêu. Giờ thì người dân không còn lo cảnh tượng đó nữa”.

Dừng chân bên mép sông để rửa chân, bà Nay H’Thép (buôn Baih C) bắt chuyện: Nhà mình có 2 sào mì nằm bên kia sông. Trước đây, mỗi lần đi làm cỏ hay thu hoạch mì đều phải lội qua sông rất nguy hiểm. Vì vậy, mỗi tuần mình chỉ đi làm cỏ và thăm mì được vài lần nên năng suất thấp. Đã thế, giá chở mì cũng đắt đỏ, rẫy cách nhà có 600 mét nhưng phải thuê chở 10.000 đồng/bao. Giờ có đường vào khu sản xuất rồi, giá chở mì giảm xuống chỉ còn khoảng 6.000 đồng/bao thôi. Dân buôn mình cũng sẽ chăm chỉ ra đồng sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Không chỉ người dân xã Ia Tul, người dân ở xã Ia Broăi và Chư Mố có đất sản xuất bên kia sông Tul cũng rất phấn khởi khi đường vào khu sản xuất được xây dựng. Ông Siu Sứ-Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Ia Tul cho biết: Khu vực sản xuất bên kia sông Tul có trên 1.700 ha mì và lúa nước của người dân 3 xã: Chư Mố, Ia Broăi và Ia Tul. Khi đường vào khu sản xuất Ia Tul được xây dựng, bà con không chỉ đi lại an toàn mà còn giảm được phí vận chuyển nông sản. Hơn nữa, nông sản được thu hoạch kịp thời còn đảm bảo về sản lượng và chất lượng nên giá bán cũng cao hơn, thu nhập của người dân vì thế tăng lên.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm