Phóng sự - Ký sự

Đường về cho người lầm lỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cánh cổng sắt ở Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh luôn đóng kín dù là ngày nghỉ. Bên trong cánh cửa sắt ấy là hàng trăm con người từng không làm chủ được bản thân, bị cuốn vào vòng xoáy ma lực của ma túy. Sau những tháng ngày vật vã đau đớn, họ quyết tâm cai nghiện để tìm tương lai.
Muôn nẻo đẩy đưa
Chúng tôi đến Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh vào một sáng cuối tuần. Tại lớp học nghề sửa chữa điện dân dụng, khoảng 30 học viên đang chú tâm vào từng động tác hướng dẫn thực hành của thầy giáo. Đa phần họ còn rất trẻ, chỉ 20-25 tuổi. Tranh thủ giờ giải lao, chúng tôi nghe họ giãi bày về con đường dẫn tới ma túy. Hầu hết đều nói rằng, họ “chơi” ma túy là bởi tò mò, thích thể hiện với bạn bè, phần khác là muốn giải tỏa áp lực trong cuộc sống...
Cách đây vài năm, Lê Văn Nh. (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai) lái xe thuê cho một đơn vị chuyên về xây dựng ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ). Tuy lương không cao nhưng cuộc sống cũng tạm đủ qua ngày. Tuy nhiên, kể từ khi lập gia đình, vợ không có việc làm, con nhỏ, gánh nặng trên vai Nh. ngày càng tăng lên. Áp lực kinh tế buộc Nh. phải chuyển sang lái xe đường dài. Quãng đời đen tối của Nh. cũng bắt đầu từ đó. Vì lái xe đường dài chạy xuyên đêm, Nh. đã tìm đến ma túy những mong chống lại những cơn buồn ngủ. “Em chỉ nghĩ hút một vài hơi để tinh thần tỉnh táo, lái xe cho an toàn, nhưng không ngờ bị nghiện, lâu dần không còn làm chủ được hành vi”-Nh. bộc bạch.
Giờ thực hành nghề điện dân dụng của các học viên tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: đinh yến
Giờ thực hành nghề điện dân dụng của các học viên tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: Đinh Yến
Còn với Nguyễn Thị Ngọc Y., lẽ ra tương lai của cô đã vô cùng tươi sáng khi tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên và đang được gia đình tạo điều kiện cho đi du học tại Nhật Bản. Nhưng vì tò mò về thứ gây nghiện mà dân chơi thường gọi là cỏ Mỹ, Y. và nhóm bạn rủ nhau hút thử. Chỉ là thử vậy mà Y. nghiện lúc nào không hay, buộc gia đình phải đưa vào Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Sau 3 tháng cai nghiện, Y. được gia đình đón về, nhưng rồi không chống lại được cám dỗ, cô một lần nữa sa chân. Y. thổ lộ: “Một viên ma túy đá có giá 1 triệu đồng dùng được trong 15 đến 20 phút; còn cỏ Mỹ mua ở dạng túi hút, mỗi túi giá 500 ngàn đồng có thể dùng được cả tuần”. Hậu quả mà Y. phải gánh chịu không chỉ là tiêu hao tiền bạc của gia đình mà hơn 1 tháng nay, lưỡi của cô còn bị ríu lại, không thể nói tròn vành rõ chữ.
Không chỉ gây tổn hại trực tiếp về mặt sức khỏe, tinh thần, ma túy còn làm nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt. Và để có tiền “phê pha” ma túy, nhiều người nghiện chẳng chừa bất cứ thủ đoạn nào, từ trộm cắp tiền bạc của cha mẹ đến cầm cố xe, nhà, trộm cắp, cướp giật, thậm chí trở thành đầu nậu cung cấp ma túy cho các con nghiện khác để kiếm lời.
“Cuộc chiến” chống lại sự cám dỗ của ma túy
 
Ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh: “Mong muốn của chúng tôi là không còn nhìn thấy những ánh mắt kỳ thị đối với những người từng nghiện ma túy. Cộng đồng hãy có cái nhìn độ lượng hơn, bao dung hơn, đừng xa lánh hay từ chối để họ có động lực làm lại cuộc đời, đoạn tuyệt với ma túy”.

Tại Cơ sở tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, cách lớp học nghề không xa là khu cắt cơn, điều trị. Có lẽ ai lần đầu tới đây, chứng kiến những người nghiện đang cắt cơn cũng sẽ bị ám ảnh. Hàng chục con người trong trạng thái mất kiểm soát cùng la hét, khóc cười, nhảy múa, xé quần, cắn áo... Y sĩ Trịnh Đình Tài cho biết: “Hành trình cắt cơn, điều trị được xem là “chết đi sống lại”. Có người không ăn, không uống, đứng không được, ngồi cũng không xong, cứ cởi hết áo quần rồi chạy vòng quanh la hét. Có người thì thấy lạnh như ướp đá nhưng mồ hôi chảy thành dòng, nước mắt, nước mũi giàn giụa. Có người chỉ 5-6 ngày là cắt được cơn, song có người phải 10-15 ngày vật vã, khóc cười. Đặc biệt, có nhiều người khi lên cơn sẵn sàng đánh trả lại cán bộ để trốn thoát. Cũng có người sau khi dứt cơn lại rơi vào trầm cảm và chỉ muốn tự tử... Vì vậy mà cán bộ y tế luôn trong tình trạng “căng não”, thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc”. Nói về khoảng thời gian cắt cơn của mình, học viên Lê Thị H. cho biết: “Khi dùng thuốc cắt cơn, có lúc em không thở được, miệng thì há hốc, có khi nôn oẹ, có lúc hộc cả máu mồm ra, có cảm giác nội tạng đang bị đem ra xát muối, khó chịu lắm”.
Đối lập với sự ồn ào đầy đau đớn, vật vã ở khu cắt cơn là sự bình yên của những vườn rau xanh mướt, những vườn hoa hồng rực rỡ và không khí vui tươi hy vọng ở khu hòa nhập. Lật đọc từng trang sách trong cuốn “Sống cho điều ý nghĩa hơn” của Nick Vujicic, học viên Võ Thị L. trải lòng: “Em thấy mình thật tệ, có nhiều người bất hạnh như thế mà họ còn vươn lên, trong khi...”. L. là một ca sĩ tự do. Sau khi bỏ chồng, gửi con gái 5 tuổi cho mẹ già ở tỉnh Phú Yên chăm sóc, cô một mình lên Gia Lai lập nghiệp. Xa gia đình, lại có tiền đi hát hàng đêm nên khi bạn bè rủ rê, L. đã sa vào con đường nghiện ngập. “Em thấy mình phải sống ý nghĩa hơn. Ở đây, đêm nào em cũng nhớ con, chỉ mong sớm cai nghiện thành công để về với con, làm lại từ đầu”-L. cho hay.
Theo ông Nguyễn Huy Đông-chuyên viên Phòng Tư vấn tái hòa nhập cộng đồng, học viên khi vào cơ sở sẽ được điều trị cai nghiện, phục hồi sức khỏe sau cai, đồng thời tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề để giúp vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Như trường hợp Lê Văn Nh. sau thời gian cai nghiện, anh chọn học nghề điện dân dụng hy vọng sau này có thể kiếm sống, nuôi gia đình, bỏ hẳn nghề lái xe để đoạn tuyệt với ma túy. Nh. chia sẻ: “Bây giờ, em không lên cơn nghiện nữa, uống thuốc cai nghiện nên sức khỏe đã ổn định. Mỗi bữa em ăn được 3 bát cơm. Vài tuần, vợ em lại đưa hai con lên thăm. Mỗi lần nghe vợ động viên cố gắng cai nghiện để về cùng lo cho tổ ấm, em lại càng quyết tâm vượt qua cám dỗ chết người của ma túy”.
Mong ngày về tươi sáng
“Má! Nay con có quyết định giảm thời gian cai nghiện rồi! Con được giảm 5 tháng, chắc ngày 11-11 con mới về. Thôi lần này về, con không dám hứa gì nữa. Con đã để gia đình thất vọng quá nhiều rồi. Từ lúc vô đây đến giờ đã 18 tháng nhưng con chưa nói được một lời xin lỗi. Ở trong này con chẳng giúp gì được cho má, chỉ biết ngày ngày nhắc bản thân chấp hành quy định cho tốt để sớm về với gia đình, để má khỏi phải khổ vì con thêm một ngày nào nữa”-đây là lá thư của học viên Đỗ Cao T. viết gửi cho gia đình. Những ngày tháng cai nghiện, T. luôn dằn vặt, hối hận vì mình là nguyên nhân khiến cha chết, mẹ tiều tụy phiền lo. T. đã quyết tâm lao động tốt, giúp đỡ thầy cô quản lý các học viên, ngăn cản kịp thời tình trạng chống, trốn nên được giảm thời gian cai nghiện 5 tháng. “Về nhà, em sẽ kiếm một công việc nào đó để làm, trước là lo cho bản thân, sau là chăm sóc, phụng dưỡng má!”-T. bày tỏ.
Từng cắn răng, quệt vội nước mắt khi phải gọi người đến bắt con đưa vào cơ sở cai nghiện, sau hơn 1 tháng, thấy con có biểu hiện tích cực, bà Nguyễn Thị Tây (thôn 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) đã lên đón con trở về. Bà Tây chia sẻ: “Có ai muốn nhưng thà đau một lần mà còn con, chứ dung túng thì mất nó vĩnh viễn”. Nhìn thấy bố mẹ và em gái đến tận cơ sở đón về, Bùi Ngọc Ph. (SN 2002) vui lắm. “Chỉ vì nghe bạn bè rủ rê hút thử ma túy, lâu dần em nghiện lúc nào không hay. Mỗi lần lên cơn “vật”, không có tiền mua thuốc, em lại trốn gia đình đi với bạn bè để có thuốc hút. Thời gian qua, em đã làm cho bố mẹ buồn phiền biết bao”-Ph. ân hận. Rưng rưng ôm đứa em gái đang học lớp 5, Ph. hứa: “Thời gian ở Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, anh đã học được bài học sám hối. Anh sẽ nghe lời bố mẹ khuyên bảo không đua đòi theo bạn bè xấu nữa. Anh hứa ...”.
Nhóm Phóng viên

Có thể bạn quan tâm