Duy trì vị trí quán quân DDCI: Bí quyết của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 3 lần triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai 2 lần giữ vị trí quán quân và 1 lần giữ vị trí thứ 2. Bí quyết của BHXH tỉnh chính là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động tại đơn vị, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.  

Theo báo cáo DDCI năm 2021, BHXH tỉnh có điểm số cao nhất ở nhóm sở, ngành với 71,17 điểm (ở lần khảo sát vào năm 2019, BHXH tỉnh cũng giữ vị trí đầu bảng với 70,57 điểm; năm 2020 xếp thứ 2 với 70,78 điểm). Các chỉ số thành phần đều được người dân và doanh nghiệp đánh giá khá tốt, nổi bật là chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp có thứ hạng 1/18 trong nhóm. Tiếp đến là chỉ số Tính minh bạch và Chi phí không chính thức cùng xếp ở vị trí 2/18. Trong chỉ số thành phần Hỗ trợ doanh nghiệp, có 72,2% người dân và doanh nghiệp được hỏi cho biết “Doanh nghiệp được mời/thông báo tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (khóa đào tạo, tập huấn, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật,…)”. Đây là tỷ lệ khá cao trong nhóm. Ngoài ra, có đến 91,6% người dân và doanh nghiệp được khảo sát cho rằng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của đơn vị là thiết thực. Một số tiêu chí khác như “Khả năng tiếp cận tài liệu, thông tin của sở, ban, ngành dễ dàng” đạt tỷ lệ 86%, “Cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ” đạt 97,2%.

 Bảo hiểm Xã hội tỉnh luôn chú trọng cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức. Ảnh: Như Nguyện
Bảo hiểm Xã hội tỉnh luôn chú trọng cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức. Ảnh: Như Nguyện


Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, ông Trần Văn Lực-Giám đốc BHXH tỉnh-cho biết: Liên tục nhiều năm qua, BHXH tỉnh luôn quan tâm, chú trọng cải cách hành chính theo hướng từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý của ngành.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh, nét nổi bật trong công tác cải cách hành chính tại đơn vị chính là cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho các thủ tục hành chính (TTHC) của ngành, triển khai giao dịch hồ sơ điện tử, đảm bảo nghiêm túc việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua bộ phận một cửa của BHXH tỉnh, BHXH cấp huyện, qua trung tâm dịch vụ hành chính công, dịch vụ bưu chính công ích. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số là bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách TTHC với nhiều tiện ích, phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có trên 111.000 người đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và có gần 100.000 người đăng nhập, sử dụng VssID.

Chị Nguyễn Thị Hồng (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cho hay: “Việc cài ứng dụng VssID đem lại rất nhiều tiện ích. Muốn tìm số sổ bảo hiểm và các thông tin khác như: quá trình tham gia bảo hiểm các loại, thông tin thụ hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, sổ khám-chữa bệnh… thì chỉ cần vào ứng dụng VssID là có đầy đủ mà không cần tìm trên sổ bảo hiểm như trước đây”.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), ngay từ khi Cơ sở dữ liệu về dân cư được đưa vào vận hành chính thức, BHXH là đơn vị đầu tiên thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chống gian lận và trục lợi BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm tiến độ triển khai sử dụng căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám-chữa bệnh BHYT theo Đề án 06, BHXH Việt Nam phối hợp Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ sang cơ sở dữ liệu của BHXH. Tại Gia Lai, tính đến cuối tháng 4-2022, toàn tỉnh có gần 309.200 căn cước công dân được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để khám-chữa bệnh BHYT và đã có 77 người sử dụng căn cước công dân để thay thế thẻ BHYT giấy. Ngoài ra, BHXH tỉnh còn triển khai cung cấp dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cung cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí…

Để tiếp tục giữ vững vị trí đầu bảng trong năm 2022, ông Trần Văn Lực cho hay: “Ngành BHXH quyết tâm triển khai chính sách trên tinh thần giảm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bằng việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC, áp dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, đảm bảo 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa. Cùng với đó, đơn vị cũng mở rộng thực hiện thanh toán điện tử, phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 60% số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị. Tiếp tục triển khai tốt các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.

 

 HÀ DUY

 

Có thể bạn quan tâm