Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Duyên nợ với Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi biết Đại úy-bác sĩ Nguyễn Nam Giang khi cùng đào tạo, huấn luyện năm đầu tiên của đại học quân sự. Khi ấy, chàng thanh niên người Hà Tĩnh gây ấn tượng với nước da trắng và cặp kính cận, song chúng tôi chỉ hỏi thăm nhau xã giao. Mãi đến sau này, khi anh đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) thì tôi mới có dịp gặp lại anh.
Cuối năm 2009, Thiếu úy-bác sĩ Nguyễn Nam Giang tốt nghiệp Học viện Quân y và được điều động về Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3). Khi ấy, với anh, Pleiku chỉ đơn giản là nơi đóng quân, còn ở đây anh không có người thân, bạn bè. Tuy nhiên, là một người lính được rèn luyện, đào tạo nhiều năm trong quân ngũ, Giang xác định “Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em”. Vì thế, gạt qua mọi thứ lạ lẫm, Giang nhanh chóng bắt tay vào công việc, hòa mình cùng anh em. Và cứ thế, qua các năm, anh liên tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được bổ nhiệm Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng Đại đội Quân y 24, Trung đoàn 48 chỉ sau 3 năm công tác. Năm 2013, anh được cử đi học Thạc sĩ Y khoa và đến cuối năm 2015 trở về công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Quân y 211.
Đại úy-bác sĩ Nguyễn Nam Giang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: V.D.H

Đại tá-bác sĩ Võ Văn Khôi-Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 211: “Mặc dù bác sĩ Giang chưa phải là người có tay nghề giỏi nhất, song rất chịu khó học hỏi, biết tiếp thu, tích lũy những kiến thức còn hạn chế để phát triển tay nghề”.

Sau 2 năm công tác tại đây, bác sĩ Nguyễn Nam Giang tiếp tục được cấp trên điều động về giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn 10. Thời gian này cho anh nắm rõ hơn nữa về mặt tổ chức chiến thuật, cùng việc bảo đảm quân y cho một đơn vị cấp sư đoàn bộ binh đủ quân với cường độ hoạt động cao. Tháng 12-2018, anh được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 211 khi mới vừa tròn 34 tuổi.
Ở cương vị mới, chịu nhiều sức ép về chuyên môn, song chính điều đó lại là động lực để anh phấn đấu vươn lên. Bác sĩ Nguyễn Nam Giang tâm sự: “Dù căng thẳng, mệt mỏi sau mỗi đêm trực nhưng nhìn những ánh mắt của người bệnh và thân nhân của họ, trong tôi lại dấy lên niềm vinh dự và trách nhiệm. Tôi nhận ra rằng, nghề y không đơn thuần chỉ để mưu sinh mà là nghề thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là trị bệnh cứu người. Nó đòi hỏi không chỉ có kiến thức, chuyên môn là đủ mà cần có cả trái tim nhân hậu, tấm lòng yêu nghề và cả những sự hy sinh thầm lặng cho sức khỏe, tính mạng của con người. Đó là vinh hạnh nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn của mỗi y-bác sĩ”. Nói về điều này, anh kể lại một câu chuyện khó quên khi lần đầu tiên trực tiếp cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Hôm đó, khoảng 20 giờ, kíp trực tiếp nhận một nam thanh niên còn trẻ bị tai nạn giao thông rất nặng. Với kiến thức và kỹ năng cấp cứu, anh chẩn đoán trong não bệnh nhân đã có một khối máu tụ chèn ép, vì vậy cần tiến hành chụp CT sọ não ngay để có hướng điều trị, nếu chờ người nhà đến rồi mới xử lý các bước trên thì não của bệnh nhân sẽ tổn thương và không hồi phục. Được sự đồng ý của Giám đốc Bệnh viện, kíp trực hôm đó đã khẩn trương chụp CT sọ não thấy hình ảnh máu tụ và tiến hành mổ cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân mổ xong về khoa Hồi sức cấp cứu thì người thân mới từ Đak Lak sang đến Gia Lai... Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân được xuất viện, hồi phục hoàn toàn trong niềm vui mừng và biết ơn sâu sắc của gia đình đối với Bệnh viện.
Trong cuộc trò chuyện với tôi, bác sĩ Giang cũng không giấu được niềm hạnh phúc khi kể về duyên nợ của mình với mảnh đất này. Năm 2010, Thiếu úy Nguyễn Nam Giang quen cô điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Oanh của Khoa Đông y, Bệnh viện Quân y 211 trong một đợt tập huấn chuyên môn. Là người sinh ra và lớn lên tại Pleiku, Oanh trở thành “hướng dẫn viên du lịch” bất đắc dĩ cho bạn mình trong mỗi lần hò hẹn. Sau thời gian tìm hiểu, Giang quyết định gắn bó với người bạn đời, người đồng nghiệp này.
Vậy là, khi đến Pleiku lập nghiệp, ngoài công việc, mọi thứ với Nguyễn Nam Giang đều là con số không tròn trĩnh. Nhưng giờ đây, sau 10 năm, anh đã có một tổ ấm tròn đầy, một ngôi nhà riêng và một cậu con trai chuẩn bị bước vào lớp 1. Và trong hành trang của anh còn có sự tin quý của đồng nghiệp và bệnh nhân dành cho một bác sĩ có tâm với nghề. 
Vũ Duy Hiển

Có thể bạn quan tâm