Phóng sự - Ký sự

F0: Những trải nghiệm khó quên - Kỳ 1: Bình tĩnh để giải quyết mọi tình huống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dương tính với SARS-CoV-2 là điều không ai mong muốn, nhất là phải điều trị và cách ly trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Thế nhưng tôi đã trở thành F0, 10 ngày trong khu điều trị Covid-19 với những trải nghiệm khó quên. Tôi mong ai cũng đủ bình tĩnh, lạc quan và luôn có niềm tin để chiến thắng bệnh tật, trở về nhà một cách bình an. 
Đặc thù công việc phóng viên phải đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, chuẩn bị sẵn tâm lý nếu có nhiễm bệnh cũng bình tĩnh, nhưng khi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tôi cũng có biểu hiện hoang mang. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng nếu không may trở thành F0, mọi người cần bình tĩnh, học cách chấp nhận, tuân thủ quy trình điều trị để nhanh chóng khỏi bệnh, trở về với gia đình, cuộc sống.
Chia sẻ của người trong cuộc
Chiều 13-1, vì được cơ quan phân công đưa tin Đại hội Hội Người cao tuổi tỉnh và bắt buộc phải test Covid-19 để đảm bảo an toàn, tôi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để test nhanh cùng mọi người. Kết quả test nhanh lần 1 hiện lên 2 vạch, nhân viên y tế gọi tôi vào test nhanh lần 2 thì kết quả cũng như thế. Bàng hoàng và bất ngờ là cảm giác của tôi lúc đó, bởi bản thân không xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh. Hơn nữa, tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, luôn tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Do đặc thù công việc tiếp xúc nhiều người nên trong nhà tôi luôn có sẵn que test Covid-19, thường thì 4 ngày tôi test 1 lần. Lần test gần nhất cách đó 4 ngày, tôi vẫn âm tính. Tôi nghĩ rằng, nếu cẩn thận thì sẽ không bị “dính” Covid-19 đâu. Nhưng không, tôi đã trở thành F0.
Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn tôi về nhà và tự cách ly ở phòng riêng để tránh lây nhiễm cho người khác, thông báo với trạm y tế địa phương để chờ lấy mẫu, khẳng định kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. Về đến nhà, dù đầu óc rối bời nhưng tôi cố giữ trấn tĩnh để sắp xếp công việc. Tôi gọi điện thoại thông báo với lãnh đạo cơ quan và những người từng tiếp xúc để họ chủ động kiểm tra sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với người khác. Tôi cũng khai báo lịch trình tiếp xúc của mình cho trạm y tế địa phương. Chồng tôi test nhanh có kết quả âm tính nhưng con trai lại có vạch thứ 2 hơi mờ. Điều đó khiến tôi rất lo vì cháu chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 do chưa đủ tuổi.
Tùy theo triệu chứng, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào những mốc thời điểm khác nhau, nếu âm tính sẽ được cho xuất viện. Ảnh: Thủy Bình
Tùy theo triệu chứng, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào những mốc thời điểm khác nhau, nếu âm tính sẽ được cho xuất viện. Ảnh: Thủy Bình
21 giờ cùng ngày, lực lượng y tế đến nhà lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho cả gia đình tôi. Tôi gọi điện cho một người quen làm bác sĩ và nhận được thông báo: “Em test nhanh 2 lần đều 2 vạch thì khả năng dương tính với SARS-CoV-2 trên 85%; còn cháu có vạch thứ 2 hơi mờ thì phải chờ kết quả PCR”.
Đêm đó, tôi tranh thủ thu dọn hành lý vì biết chắc rằng sẽ phải vào khu điều trị. Dẫu vậy, tôi vẫn hy vọng một phép màu sẽ đến với gia đình. Kết quả PCR của tôi là số 21-khả năng lây nhiễm cao, nhân viên y tế phường gọi điện thoại thông báo: “Em bị dương tính rồi. Em cứ chuẩn bị hành lý và sẽ có xe cứu thương đến chở em vào khu điều trị”. Điều may mắn là chồng và con trai đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ngay khi có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính, tôi tiếp tục thông báo cho mọi người; nhắc nhở lưu ý sức khỏe kèm lời xin lỗi về “sự cố” này. Người thân, đồng nghiệp, bạn bè liên tục gọi điện động viên tôi cố gắng, yên tâm điều trị.
Hành trang vào viện
Vì có người bạn từng bị F0, tôi gọi điện thoại hỏi xem cần chuẩn bị những gì khi đi điều trị. Ngoài những vật dụng cá nhân, tôi chuẩn bị ấm đun nước nóng, cháo gói, tuýp vitamin C, sữa và trái cây. Tôi cũng chuẩn bị máy đo nồng độ oxy trong máu, nhiệt kế và một số loại thuốc hạ sốt, giảm đau. Ngoài ra, tôi còn chuẩn bị sạc điện thoại, vài cuốn sách, báo để đọc. Thấy tôi buồn, ông xã liền động viên: “Em cố gắng điều trị, cứ coi như là đi nghỉ ngơi mấy ngày. Cứ yên tâm nhé”. Dù cố gắng trấn an nhưng nhìn ánh mắt đượm buồn của chồng, cái vẫy tay của con trai khiến lòng tôi không khỏi trĩu nặng.
Chồng và con tôi đều là F1 nên phải cách ly tại nhà. Khác với thời điểm trước, F1 được đưa đi cách ly tập trung thì nay được tạo điều kiện cách ly tại nhà để giảm tải gánh nặng cho lực lượng y tế. Tôi dặn 2 bố con luôn đeo khẩu trang, vệ sinh mũi, họng bằng nước muối, uống nhiều nước ấm và sát khuẩn thường xuyên. Vì người thân đều ở xa, tôi đã liệt kê số điện thoại, địa chỉ của một số cửa hàng thực phẩm quen để ship đồ tới cho 2 bố con trong những ngày cách ly.
Trong thời gian điều trị Covid-19, các bệnh nhần cần vệ sinh mũi-họng, bổ sung nước và vitamin. Ảnh: Thủy Bình
Trong thời gian điều trị Covid-19, bệnh nhân cần vệ sinh mũi-họng, bổ sung nước và vitamin. Ảnh: Thủy Bình
Những người bạn từng dương tính với SARS-CoV-2 hay tin cũng gọi điện thoại cho tôi động viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên triệu chứng của bệnh cũng ít hơn, nhiều người có triệu chứng giống như bị cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, phải thật bình tĩnh, lo lắng không giải quyết được vấn đề gì mà ngược lại khiến cơ thể thêm mệt mỏi. Cứ yên tâm điều trị, thoải mái tinh thần sẽ nhanh chóng chiến thắng được bệnh tật.
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy việc F0 được đi điều trị là điều cần thiết để chủ động chữa trị, hạn chế lây lan dịch bệnh cho nhiều người. Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, mỗi chúng ta không thể biết khi nào mình mắc bệnh và có thể không biết nguồn lây từ đâu. Vì thế, hãy luôn sẵn sàng tâm thế sống chung với dịch Covid-19 và khi trở thành F0 cũng cần bình tĩnh đối diện, không nên hoang mang thái quá.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm