Phóng sự - Ký sự

Gạc Ma - 30 năm nhìn lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 30 năm trước, 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu chống trả lại cuộc tàn sát dã man của Hải quân Trung quốc ngoài vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len đao để bảo vệ chủ quyền. Lịch sử đã sang trang mới, sự kiện đau thương cũng dần lùi vào dĩ vãng, song 30 năm trôi qua, nó vẫn còn nóng tính thời sự khi mà 64 hài cốt các liệt sĩ vẫn nằm tận biển sâu. Thời gian có dài vào bao nhiêu, lịch sử có đổi thay thế nào chăng nữa, nhưng trận chiến Gạc Ma vẫn thức tỉnh trái tim người Việt.

Cuộc tàn sát trên biển

Sự kiện hải quân Trường Sa-1988 (gọi tắt là CQ-88, tức là “chủ quyền 1988) thực chất là cuộc tàn sát  trên biển. Một bên là hải quân Trung quốc, một bên là những người lính chính nghĩa hải quân Việt Nam. Trước đây, nhiều báo đài gọi là “hải chiến Trường Sa”, đó là cách gọi không đúng. Bởi, đã gọi là “hải chiến” thì phải có hai bên tham chiến, tức là phải có sự chiến đấu giữa hải quân hai nước, tương quan về lực lượng, ngang bằng về vũ khí trang bị, hoặc ít nhất cũng phải có “tuyên bố xâm lược” theo luật chiến tranh và luật nhân đạo quốc tế. Còn đằng này, những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đang thực thi pháp luật chủ quyền trên biển, đảo của Việt Nam, thì bất ngờ bị hải quân Trung quốc đem tàu đến gây hấn và nã đạn, rồi lấn chiếm, đó là “cuộc tàn sát đẫm máu. 30 năm trôi qua, “cuộc tàn sát” không thể lu mờ trong tâm khảm của người Việt, đặc biệt là những người lính hải quân ở đảo đá Gạc Ma ngày ấy còn sống sót trở về.

Lễ đón các liệt sĩ Gạc Ma vào bán đảo Cam Ranh- Khánh Hòa ngày 27-7-2017. Ảnh: Mai Thắng
Lễ đón các liệt sĩ Gạc Ma vào bán đảo Cam Ranh- Khánh Hòa ngày 27-7-2017. Ảnh: Mai Thắng



Đầu tháng 3-1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (gồm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi) thì Trung Quốc lại có ý đồ chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhằm kiểm soát cả khu vực. Để thực hiện ý đồ này, xâm lăng đã huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa với 9-12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc và một pôngtông lớn để hỗ trợ.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh đã triển khai lực lượng bảo vệ giữ chủ quyền. Ngày 12-3-1988, tàu HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125 do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ hành quân khẩn trương, tàu đã đến đảo và cắm cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam vào lúc 5 giờ ngày 14-3-1988. Trước đó- 9 giờ ngày 13-3-1988, tàu HQ 604 do Đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng được lệnh về Gạc Ma; tàu HQ 505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ tiến về đảo Cô Lin. Phối hợp với hai tàu này có hai đội công binh 70 người và bốn tổ chiến đấu 22 người thuộc Lữ đoàn 146. Sau khi hai tàu thả neo được khoảng 30 phút, tàu hộ vệ, tàu chiến đấu xâm lăng áp sát liên tục đe dọa, uy hiếp.

Lúc 21 giờ ngày 13-3-1988, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho các thuyền trưởng chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, đồng thời khẩn trương thả xuồng, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm. Tàu HQ 604 đã cho công binh chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma. Lúc này có bộ đội đã cắm cờ trên đảo và triển khai 4 tổ bảo vệ. Thấy vậy, xâm lăng điều thêm 2 tàu hộ vệ có trang bị pháo 100mm đến hỗ trợ, đe dọa bắt ta phải rời khỏi Gạc Ma. Trước căng thẳng ấy, ban chỉ huy tàu HQ 604 đã họp bàn, nhận định xâm lăng có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.

6 giờ sáng ngày 14-3-1988, Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo, tiến về phía cờ ta định giật lấy. Lập tức, Thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội đã anh dũng giành lại cờ. Binh lính Trung quốc dùng lưỡi lê đâm và bắn Nguyễn Văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương xông vào cứu đồng đội đã bị bắn và anh dũng hy sinh.
 
Máu chiến sĩ nhuộm mặn sóng biển Đông

Sau 30 năm kể từ trận chiến Gạc Ma, Đại tá Vũ Huy Lễ-nguyên thuyền trưởng tàu HQ 505 chưa bao giờ nguôi ngoai được nỗi đau. Từ Hải Phòng, giọng ông nghèn nghẹn trong điện thoại: “Khi 64 hài cốt của đồng đội đang nằm dưới đáy biển, thì những người như chúng tôi chưa thể thanh thản được. Máu của các liệt sĩ đã nhuộm mặn sóng biển Đông. Vùng biển, đảo ấy bây giờ là màu xanh, nhưng hòa lẫn trong ấy là máu đào liệt sĩ”.

Nỗi đau mẹ liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh: Mai Thắng
Nỗi đau mẹ liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh: Mai Thắng



Ông Lễ kể lại: Sau khi tàu HQ 604 chìm, hai tàu chiến Trung quốc quay súng sang tấn công tàu HQ 505. Đạn pháo đã làm toàn bộ mạn phải tàu bị cháy, thủng, phòng truyền thông tin, phía boong bốc cháy dữ dội, một số cán bộ chiến sĩ đã bị thương, song anh em vẫn quyết tâm chiến đấu. Lúc này, phía đảo Gạc Ma là cảnh tượng tan hoang ghê gớm. Nhiều mảnh vỡ, đồ đạc của tàu trôi dạt khắp nơi. Thuyền trưởng Lễ đã lệnh cho 5 cán bộ, chiến sĩ hạ xuồng cứu sinh (loại lớn) sang Gạc Ma tìm kiếm. Đến 12 giờ cùng ngày, xuồng quay về với 44 chiến sĩ Gạc Ma, trong đó có 5 người đã hy sinh, nhiều người bị thương.

Lúc này tàu HQ 605 cũng bị tàu Trung quốc bắn ở đảo Len Đao (cách Cô Lin 10 hải lý). Mặc dù tàu 605 cũng tìm cách lao lên đảo, nhưng do đảo không thoải như Cô Lin nên tàu chỉ ghé được mũi lên đảo, khi nước rút, tàu bị tụt xuống biển rồi chìm vào lúc 6 giờ ngày 15-.3-1988. Anh em trên tàu này đã bơi được về đảo Sinh Tồn. Để giữ đảo Cô Lin, thuyền trưởng Lễ đã quyết định lùi tàu HQ 505 ra xa rồi dùng hết tốc độ lao lên đảo Cô Lin trong đạn xâm lăng cày xới mặt biển. Đó là lúc 8 giờ 45 phút sáng ngày 14-3-1988.  

30 mùa xuân bất tử

Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”. Ảnh: Mai Thắng
Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”. Ảnh: Mai Thắng



Tháng 7-2017, linh hồn của 64 người lính tử trận trước họng súng tàn sát của Hải quân Trung Quốc đã được rước về khu tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời” trong bán đảo Cam Ranh tỉnh khánh hòa, nhưng xương cốt của 64 liệt sĩ vẫn nằm lạng cóng dưới tầng sóng lạnh ngoài đảo Gạc Ma suốt 30 năm qua, hòa vào sóng, vào gió và nước biển mặn mòi. Theo thông lệ của những người đi biển, mỗi khi tàu hải quan đi qua vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, thường tổ chức lễ viếng và thả hoa tưởng niệm 64 liệt sĩ.

Lịch sử dã sang trang, sự kiện “Trường Sa - 88” cũng lùi vào dĩ vãng, song những chứng tích trận tàn sát đẫm máu ngày ấy thì không bao giờ quên lãng. Bởi, nó đã đi vào lịch sử dân tộc, để mỗi năm đến ngày 14-3, ký ức đau thương nhưng vô cùng bi tráng lại ùa về trong tiềm thức người Việt.

30 năm qua, những người mẹ liệt sĩ Gạc Ma vẫn khắc khoải chờ xương cốt của các liệt sĩ; những người con chỉ biết mặt bố qua di ảnh thờ; nhiều người vợ thầm lặng hi sinh ở vậy nuôi con… Nỗi đau không bao giờ kể xiết. Song tất cả đều tự hào kiêu hãnh, vì 64 liệt sĩ Hải quân Việt Nam nằm lại ngoài biển khơi không uổng phí. Các anh đã hy sinh cho Tổ quốc thanh bình, cho biển đảo Trường Sa xanh thắm giữa ngàn khơi.

Đất nước mãi gọi tên các anh-những người ngã xuống vì dân tộc. Tổ quốc ghi ơn sự hy sinh kiên cường anh dũng của 64 liệt sĩ Gạc Ma. Hơn 90 triệu người dân đất Việt ghi ơn, tự hào về các anh- những anh hùng biển cả của thế kỷ XX và mãi mãi. 

 Mai Thắng

Có thể bạn quan tâm