(GLO)- Đám cưới là chuyện hệ trọng của đời người. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn tự nguyện hoãn tổ chức đám cưới cho con để chung tay cùng cộng đồng phòng-chống dịch Covid-19.
TỰ NGUYỆN HOÃN CƯỚI
500 thiệp mời đã phát, cỗ bàn đã đặt, mọi sự chuẩn bị cũng đã chu toàn nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Ích (490 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku) vẫn quyết định hoãn đám cưới con vào phút chót. Ông Ích chia sẻ: Đáng lẽ đám cưới sẽ diễn ra vào ngày 22-3 nhưng gia đình thống nhất hoãn lại đến khi nào tình hình dịch bệnh ổn định thì mới tổ chức cho các con. Thiệp mời đã phát nên 2 gia đình phải nhắn tin lên mạng xã hội Facebook, Zalo rồi điện thoại xin lỗi khách. May mắn là mọi người đều thông cảm và đồng tình với việc này. “Bây giờ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, mình phải vì sức khỏe cộng đồng, chung tay cùng với địa phương phòng-chống dịch. Nếu chỉ vì việc nhà mà phớt lờ các quy định lỡ có vấn đề gì lại mất hay. Phía dịch vụ họ cũng tạo điều kiện cho mình hồi lại, còn phía nhà gái cũng đồng ý cho rước dâu mà không tổ chức đám cưới”-ông Ích nói.
Mặc dù cũng buồn đôi chút nhưng bà Trần Thị Thanh Tâm (vợ ông Ích) hoàn toàn ủng hộ quyết định của chồng, con. Bà Tâm chia sẻ: “Năm 2003, tui gả con gái, giờ mới cưới vợ cho con trai nên đếm từng ngày. Khi phải hoãn lại, nói thật, tôi cũng buồn lắm chứ. Nhưng không sao, sức khỏe mọi người vẫn là quan trọng nhất”.
Chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: N.N |
Cách nhà ông Ích vài chục mét, bà Phạm Thị Ở (462 Nguyễn Viết Xuân) cũng quyết định gói gọn việc tổ chức đám cưới trong phạm vi gia đình. Bà bộc bạch: “Tôi có 5 người con, 4 cô con gái đều đã lấy chồng, còn lại cậu con trai nay mới lấy vợ. Thiệp mời đã phát đến tận tay 500 khách. Họ hàng thân thiết gần xa cũng đều đã được thông báo. Đám cưới dự định tổ chức vào ngày 21-3 nhưng sau khi chính quyền địa phương xuống vận động, gia đình đã đồng ý không tổ chức lớn mà chỉ họ hàng nội ngoại hai bên gặp mặt. Chúng tôi cũng đã thông báo đến các khách mời, họ hàng ở xa và tất cả đều thông cảm, có người còn chuyển tiền mừng qua tài khoản cho các cháu. Bạn bè của tôi cũng có nhiều người hoãn tổ chức đám cưới cho con để phòng-chống dịch Covid-19”.
Với gia đình bà Đinh Thị Huyền (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), nếu không vì dịch Covid-19 thì đám cưới của con gái đã diễn ra trong tháng 3 này. Thiệp đã in, tiệc cũng đã đặt tại nhà hàng, số lượng khách mời dự kiến khoảng 900 người nhưng gia đình quyết định tạm dừng đám cưới để phòng dịch. Bà Huyền vui vẻ nói: “Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình tôi cũng đã tính tới phương án nếu tổ chức thì phải chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi hiểu rằng việc phòng-chống dịch rất cấp bách và quan trọng nên đã thống nhất đình lại đám cưới để bảo vệ sức khỏe cho mọi người”.
CHUNG TAY PHÒNG-CHỐNG DỊCH
Việc khách hàng hồi lại tiệc sẽ gây thất thu cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ đám cưới. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, các đơn vị đều chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để chung tay cùng với chính quyền địa phương phòng-chống Covid-19. Anh Đỗ Minh Quang-quản lý nhà hàng Pleiku Palace-cho biết: “Nhà hàng nhận nhiều tiệc cưới do khách hàng đặt từ trước Tết. Nhưng với tình hình chung như bây giờ thì đa số đều dời lại tháng 6 hoặc tháng 7. Chúng tôi cũng hết sức tạo điều kiện cho khách hàng trong vấn đề này”.
Gia dình ông Ích tự nguyện hoãn tổ chức đám cưới cho con. Ảnh: N.N |
Việc hoãn cưới xuất phát từ sự tự nguyện của người dân và có một phần từ công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương. Ông Lâm Văn Dương-Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 4 (phường Hội Phú, TP. Pleiku) cho biết: Khi chưa có hướng dẫn hạn chế tập trung đông người thì gia đình ông Ích đã thông báo cho chính quyền địa phương về việc tổ chức đám cưới cho con. Tổ dân phố đồng ý và gia đình đã gửi hết thiệp mời. “Sau khi có công văn của thành phố về việc hạn chế tập trung đông người, chúng tôi đã đến tuyên truyền, vận động và gia đình tự nguyện hoãn đám cưới, chỉ gặp mặt hai bên gia đình không quá 50 người. Nói chung người dân rất có ý thức trách nhiệm, chấp hành tốt các quy định trong phòng-chống dịch”-ông Dương nói.
Tại phường Hội Thương (TP. Pleiku), việc vận động các gia đình tạm dừng đám cưới được cán bộ tư pháp phường chú trọng thực hiện ngay khi công dân đến đăng ký kết hôn. Bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường-cho hay: “Nếu có trường hợp nào đến đăng ký kết hôn thì chúng tôi tìm hiểu xem họ tổ chức đám cưới lúc nào. Nếu trong thời gian này thì tuyên truyền, vận động họ đăng ký kết hôn, còn tổ chức tiệc hỉ thì nên dời lại khi dịch bệnh đã được kiểm soát”.
Ngày 21-3, UBND tỉnh có Công văn số 593/UBND-KGVX về việc đẩy mạnh tuyên truyền nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và hạn chế tập trung đông người để phòng-chống dịch Covid-19. Trong đó, đối với lễ cưới, tiệc cưới chưa tổ chức thì vận động các gia đình điều chỉnh thời gian, hình thức, quy mô tổ chức phù hợp. Đối với lễ cưới, tiệc cưới đã ấn định thời gian thì vận động tổ chức trong phạm vi gia đình, dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới. |
NHƯ NGUYỆN