Văn hóa

Gần lại với thiên nhiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi bắt đầu giờ học bằng một yêu cầu đặt ra tưởng chừng rất dễ chia sẻ với học trò: “Hãy kể lại một trải nghiệm của bản thân em với thiên nhiên”. Thế nhưng, lớp học lặng phắc, không một cánh tay nào giơ lên. Sau một hồi gợi mở thì vài em rụt rè kể lại buổi khám phá công viên hoặc về quê, nhưng ấn tượng cũng không thật sự sâu đậm.

Do tính chất công việc, tôi tiếp xúc thường xuyên với trẻ nhỏ, hàng ngày được nghe các em trò chuyện và chia sẻ khá nhiều điều về những vấn đề xung quanh cuộc sống của mình, mới thấy, trẻ con giờ thật sự hạn chế với việc được tiếp xúc với thế giới tự nhiên.

Hàng ngày, ngoài thời gian học, các em quanh quẩn với các thiết bị giải trí như: ti vi, máy tính, iPad, smartphone…, một số ít giải trí bằng cách đọc sách, số ít nữa có thêm vật nuôi mà chúng gọi là “thú cưng” để làm bạn. Không gian của trẻ là khuôn viên nhà mình kín cổng cao tường, hàng ngày chủ yếu chỉ di chuyển từ nhà đến trường. Khi những học trò của tôi được hỏi lý do tại sao chưa khi nào chúng nhìn thấy cánh đồng, bờ biển, ngọn núi hay khu vườn, tôi đều nhận được câu trả lời là “Ba mẹ em bận công việc”. Đa số dịp nghỉ lễ, Tết hay cuối tuần cũng chỉ đến quán cà phê, khu vui chơi, ít có gia đình nào đưa con đến nơi có cảnh quan thiên nhiên rộng lớn.

Dịp lễ, Tết, nhiều gia đình chọn nơi có phong cảnh đẹp để dã ngoại, giúp con trẻ sống gần với thiên nhiên Ảnh: Đào An Duyên

Dịp lễ, Tết, nhiều gia đình chọn nơi có phong cảnh đẹp để dã ngoại, giúp con trẻ sống gần với thiên nhiên Ảnh: Đào An Duyên

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, tôi theo dõi các diễn đàn du lịch trên các trang mạng xã hội, cảm giác cực kỳ thú vị với câu chuyện của một số gia đình trẻ chia sẻ về kỳ nghỉ mà họ vừa trải qua.

Những gia đình có điều kiện thì cải tiến xe ô tô thành kiểu “ngôi nhà di động” với đầy đủ những vật dụng thiết yếu, họ có thể dựng trại nấu nướng ở bất cứ địa điểm nào khi dừng chân nghỉ lại. Nhiều gia đình lại di chuyển bằng xe máy, lựa chọn những địa điểm không quá xa nơi ở của mình, vợ chồng con cái đem theo đồ đạc tối giản, vừa đi vừa tìm chỗ nghỉ ngơi, vừa khám phá thiên nhiên. Điểm chung của những người đi du lịch cả gia đình là hướng đến nơi có cảnh quan thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ. Họ có thể dựng trại ở lại qua đêm ở địa điểm đẹp, an toàn, với mục đích duy nhất là để những đứa trẻ được trải nghiệm, sống thật gần với thiên nhiên, tạo ra những kỷ niệm đẹp cho tuổi thơ của các con.

Lại nhớ hồi các con còn nhỏ, mỗi lần về quê, tôi thường cho các con tháo bỏ hết giày dép, đi chân trần trên đồng ruộng. Mới đầu, chúng hơi lạ lẫm, nhưng rồi khi quen dần, chúng hò reo thích thú, chạy nhảy tung tăng, thậm chí còn hăng hái lội xuống ruộng để bắt cua, bắt ốc. Với người lớn chúng ta, việc đó rất đỗi bình thường, nhưng với những đứa trẻ sinh ra nơi thành phố, nhìn chỗ nào cũng chỉ thấy những bức tường cao ngất và bê tông dát kín những lối đi thì việc được hít thở hương đồng, được thò tay xuống lớp bùn mềm mại cầm lên một con ốc đen trũi còn chưa kịp thụt miệng vào vỏ là một điều mới mẻ và thú vị. Hẳn đó sẽ là những trải nghiệm khiến chúng khó mà quên đi được trong suốt tuổi thơ của mình.

Phía sau nhà có một khoảnh đất nhỏ, tôi trồng rau và mấy cây gia vị. Một lần, cậu con tôi đem ít cơm nguội rắc lên đất, tôi hỏi con rắc cơm để làm gì thì nhận được câu trả lời là con cho lũ chim ăn. Thì ra, hàng ngày, nhìn qua cửa sổ, thỉnh thoảng thấy mấy con chim sẻ bé xíu sà xuống đám rau kiếm ăn, cậu chàng đã nghĩ đến việc rắc cơm nguội ra sau vườn, sau đó, nấp sau cửa sổ rình xem lũ chim sà xuống ăn cơm. Suốt những ngày tháng bé thơ, lũ sẻ nâu, đàn kiến nối nhau tha mồi về tổ, vài con sâu nhấm nháp những lá rau xanh, mấy con côn trùng bé tí trong những hộp xốp mẹ trồng rau gia vị… là niềm vui của các con trong vườn nhà.

Thỉnh thoảng, đọc một câu văn ngô nghê của học trò trong lúc chấm bài, tôi không khỏi bật lên cười, nhưng sau đó là sự trăn trở, là suy nghĩ về trách nhiệm của người dạy học. Trẻ con bây giờ dường như “thiệt thòi” so với thế hệ trước, chúng thiếu trải nghiệm thực tế, thiếu kiến thức về tự nhiên, vì tất cả hầu như chỉ được lĩnh hội qua sách vở. Hãy thử hình dung mà xem, chúng ta sẽ cảm thấy thư thái dường nào khi ngồi trước một cánh đồng mênh mông sắc xanh của lúa, hít căng lồng ngực thứ hương ngòn ngọt của cỏ tươi, thả đôi chân trần ram ráp trên bờ bãi; hay ngắm nhìn một hạt mầm nhú lên giữa một sớm sương mai nặng hạt, nhìn cái cây lớn lên, đếm từng chiếc lá, từng mầm chồi, một ngày vỡ òa niềm vui trước sắc hoa rực rỡ, chìm vào thứ hương thơm hun hút và vài con ong chăm chỉ rúc sâu trong những nhụy hoa.

Thiên nhiên thường đem đến cho chúng ta những bài học, lặng lẽ mà thấm sâu. Chỉ là, mỗi người sẽ nhận được bài học từ thiên nhiên theo cách riêng mà chúng ta cảm nhận được.

Có thể bạn quan tâm