Thời sự - Bình luận

Gánh nặng từ sách tham khảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Học sinh học tập không thể thiếu sách giáo khoa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể có được bộ sách tốt nhất bởi khi các nhà xuất bản công bố thì giá sách giáo khoa đều ở mức hợp lý nhưng thực tế khi phát hành theo bộ đóng gói sẵn thì hàng loạt loại sách tham khảo được bán kèm. Vì vậy, giá mỗi bộ sách đóng gói tăng gấp 3, gấp 4 lần. Điều đáng nói là trong các loại sách được bán kèm sách giáo khoa theo bộ, có những sách cả năm học, học sinh không dùng đến.

 

Sách giáo khoa lớp 5 năm học 2022-2023.
Sách giáo khoa lớp 5 năm học 2022-2023.


Hiện nay, kênh phát hành khá phổ biến của các nhà xuất bản là theo đường hành chính qua các cơ quan quản lý giáo dục xuống các nhà trường, giáo viên, học sinh theo danh mục sách kê khai sẵn gồm cả sách giáo khoa và sách tham khảo. Ngoài ra, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, cửa hàng sách đóng sẵn theo bộ mà không bán lẻ cũng khiến cha mẹ, học sinh phải mua cả sách giáo khoa kèm sách tham khảo. Sách giáo khoa các khối lớp 1, 2 và 3, 7, 10 (từ năm học 2022-2023) sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới) cũng có giá bán khá cao, gấp 2, gấp 3 lần sách giáo khoa chương trình 2006.

Trước thực trạng sách tham khảo “đội lốt” sách giáo khoa, chuẩn bị năm học 2022-2023, ngày 10/6 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có sách giáo khoa đã được phê duyệt tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành nhằm tiết kiệm, giảm giá thành sách giáo khoa.

Đây không phải lần đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ thị về sách giáo khoa và sách tham khảo. Từ năm 2014, Bộ đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Thông tư quy định giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Những năm sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng bức xúc liên quan sách giáo khoa, sách tham khảo vẫn luôn xảy ra.

Nguyên nhân của tình trạng này chính là từ tỷ lệ phí phát hành khá cao và bản thân một số cơ quan quản lý chỉ đạo việc phát hành sách theo danh mục do các công ty phát hành sách đưa ra mà không có sự kiểm soát dẫn đến việc lập lờ giữa sách giáo khoa và sách tham khảo. Mặt khác, trong chỉ đạo chuyên môn của ngành giáo dục cho phép giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy, nội dung cần điều chỉnh; nguồn học liệu và thiết bị dạy học… đã tạo kẽ hở để các trường đưa sách tham khảo vào “ép” học sinh phải mua một cách trá hình.

Trong khi đó, giá sách giáo khoa mới thì do các nhà xuất bản tự đưa ra và kê khai giá khiến giá quá cao, tạo nên gánh nặng, gây bức xúc với cha mẹ học sinh và học sinh. Vì vậy, một trong những nội dung quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền.

Để việc phát hành sách giáo khoa kèm sách tham khảo không còn là gánh nặng, gây bức xúc với cha mẹ học sinh và học sinh, ngành Giáo dục và các cơ quan quản lý nhà nước cần quy trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc phát hành sách giáo khoa trong trường học. Cần có quy định cấm việc kê khai phát hành sách tham khảo kèm sách giáo khoa trong cùng một danh mục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định các trường xây dựng hệ thống sách tham khảo dùng chung trong thư viện để giáo viên mở rộng, linh hoạt trong giảng dạy. Với sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thay vì để các nhà xuất bản tự kê khai giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cần sớm phối hợp đưa vào danh mục mặt hàng định giá. Những chỉ đạo liên quan việc phát hành sách giáo khoa cần kịp thời, tránh tình trạng, các địa phương, trường học tổ chức phát hành sách giáo khoa xong mới có văn bản, chỉ thị mang tính hình thức, không hiệu quả…

 

Theo Giang Sơn (NDĐT)

 
 

Có thể bạn quan tâm