Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gánh quê ra phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi không sinh ra ở phố núi Pleiku nhưng chọn nơi này để sống và làm việc. Nên hễ thấy ở phố có cái gì giống quê là tôi lại thương. Bởi người phố nào chẳng từ quê mà ra. Trong tình thương tôi dành cho phố có một phần rất lớn dành riêng cho những gánh quê, gùi hàng.
Sớm mai, khi ánh nắng yếu ớt xuyên qua tán lá hàng cây, rọi xuống vỉa hè thì người phố lại trầm ngâm, tĩnh lặng có khi chộn rộn, xốn xang với quang gánh, gùi hàng hay những chiếc xe đạp thả mình xuống phố. Tôi nhớ vành nón lá không đủ che nắng che mưa nhưng thấp thoáng ánh mắt, nụ cười hồn hậu. Tôi thương vòng quay đều đều, chậm rãi của những chiếc xe đạp cà tàng, nó giúp tôi sống chậm lại. Tôi mến nụ cười của người dân bản địa, những câu chào mời mua hàng của họ, những bước chân dài rộng khắp phố, những gùi hàng nghiêng nghiêng trong nắng chiều. Có cô bé Jrai nụ cười tươi tắn, hồn nhiên gùi hoa sen ra phố. Với giá một bó sen chỉ 15.000-20.000 đồng, rất nhiều người chọn mua hoa về trang trí góc nhà, văn phòng hay quán xá. Tôi luôn mặc định rằng hương thơm của sen như một lời chào từ xa dịu dàng. Và họ, những người bản địa luôn cố gắng trao gửi sự thân mật, hiếu khách. Người qua phố cũng vì thế nhận ra chúng là căn cước thiên nhiên của thành phố, phần đáng yêu nhưng cũng vô cùng giản dị.
 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mới hôm qua thôi, bên hè đường Phan Bội Châu gần chợ Tam Hiệp, mắt tôi thấy có cái gì như “quen mà lạ”, như “lạ mà quen”, à ra là một rổ chòi mòi. Không thể tin được là thức quà quê này lại hiện diện giữa phố xá tấp nập. Phải rồi, chòi mòi ra hoa từ khoảng tháng 4 đến tháng 6 và từ đó có trái lai rai suốt năm, nhưng rộ nhất có lẽ từ tháng 8. Cùng với tôi, vài người nữa thích thú xúm quanh rổ chòi mòi. Toàn những người lớn, thèm chòi mòi hay thèm mùi vị ngày xưa? Đợi vãn khách, tôi nấn ná lại trò chuyện với chị bán hàng. Chị bán những thứ trái cây được hái từ làng. Không sạp hàng, không xe đẩy, chỉ một tấm bạt nhỏ trải ra ở góc chợ, bày những măng trúc, mãng cầu xiêm, na vườn, đậu phộng sống… “Như rổ chòi mòi này không phải hôm nào cũng có đâu. Thường người dân ở làng đi hái về bán lại cho chị đó”-chị cười vui.
Có lần, ngay ngã tư, tôi gặp người bán bánh gốc miền Trung. Gánh hàng của chị đầy vun những cốm gạo, cốm nếp, cốm bắp. Chỉ sau mấy câu hỏi thăm ban đầu, thấy âm hưởng giọng nói quê mình mà tự nhiên mừng lắm. “Chị người Bình Định phải không ạ? Vui quá, cùng quê với em nè!”. Và cứ thế là bao nhiêu chất chứa xứ Nẫu tuôn ra. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén lâu nay được dịp tuôn trào. Rồi thì san sẻ nhau hơn khi chị khoe rằng mới dành dụm, gửi ít tiền về quê cho mấy đứa nhỏ sắm quần áo vào năm học mới. Bất chợt, thấy phố chiều lao xao, thấy hạnh phúc bên mình ngay giữa những điều náo nhiệt nhất.
Niềm lưu luyến chút “quê mùa” giữa phố thị dường như không chỉ của riêng tôi. Gần đây, vào những dịp lễ lớn, tại quán Nhà Tôi (xã Trà Đa) luôn dành một góc để trang trí chợ quê. Ở góc chợ ấy, đôi quang gánh, đồ dùng nhà nông bằng tre hay những món ăn quê nhà đậm đà hương vị. Góc chợ đặc biệt thu hút thực khách đến tham quan, chụp ảnh. Đó có thể xem là những món quà quê khác lạ, hay tôi vẫn gọi là quà tinh thần. Để không chỉ người lớn nhớ về quê xưa mà còn để lớp trẻ phần nào hình dung được không gian nghệ thuật ẩm thực truyền thống của các dân tộc Việt Nam mà chắc chắn không có trong bộ nhớ non nớt của trẻ con thị thành.
Tôi gắn bó với nơi đây cũng ngót hai chục năm, cũng đủ thời gian để la cà khắp các ngõ hẻm, biết tên nhớ mặt từng cô, từng bà với gánh hàng ưa thích. Đôi khi, họ nghỉ ngơi, dừng chân chốc lát nơi ghế đá trong quảng trường, lúc lại nương nhờ đến vỉa hè, mái hiên góc phố. Đi đến đâu là mang theo thức quê đến đó. Bởi vậy, bảo sao những người phụ nữ với gương mặt đã cũ nhàu, mướt mải mồ hôi, mà đôi tay nhanh nhẹn thoăn thoắt lúc nào cũng được lòng người dân Phố núi. Tôi mến những người “quê” ấy bởi họ chất phác, thật thà và hào phóng. Đôi khi cân dôi một chút, lựa thức quà tươi ngon nhất, dành thứ tốt nhất để bán trước...
Trong tương lai, nhịp sống Phố núi của tôi chắc chắn sẽ khác đi. Đô thị sẽ phát triển, quy hoạch, chỉnh trang và đổi mới trong tiến trình trở thành đô thị loại I. Có lẽ, những gánh hàng quê cũng sẽ thưa dần, vắng bóng trên phố. Thay vào đó là những chuỗi cửa hàng tự chọn, trung tâm mua sắm hay các siêu thị hoặc thời thượng hơn, tiện lợi hơn là mua hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... Vẫn là hoạt động giữa kẻ mua người bán nhưng dường như mang tính thương mại nhiều hơn là trao gởi nhau chút gì đó tâm tình. Nên những thức quà quê ra phố không chỉ chứa đựng cả những ký ức tuổi thơ mà còn khiến thành phố nơi tôi đang sống thêm bình dị, gần gũi. Tháng năm có thể làm Pleiku của tôi già đi nhưng gánh hàng mang hồn quê trong lòng phố chẳng bao giờ phai cũ.
 NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm