Phóng sự - Ký sự

Gặp người lính đặc công biệt động tham gia trận chiến ác liệt cầu Rạch Chiếc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Lê Văn Sơn (thôn Kim Năng, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai)-người trực tiếp tham gia trận đánh cầu Rạch Chiếc, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Qua lời kể của ông, cuộc chiến tranh hào hùng giành độc lập dân tộc được tái hiện như những thước phim.
Ông Lê Văn Sơn-Người lính đặc công quả cảm năm ấy. Ảnh: Như Loan
Ông Lê Văn Sơn-Người lính đặc công quả cảm năm ấy. Ảnh: Như Loan
Năm 1972, người thanh niên Lê Văn Sơn quê ở Hà Nam hăng hái lên đường nhập ngũ. Nhờ có sức khỏe, ông được tuyển chọn huấn luyện ở đơn vị đặc công nước. Tháng 12-1973, ông được biên chế vào phân đội Z23 thuộc Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, sau khi được đào tạo, Lữ đoàn 316 được cấp trên chuyển hướng vào Nam để sử dụng cho trận đánh cuối cùng quyết định giải phóng Sài Gòn-Gia Định. 
Để chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, ngày 25-4-1975, Z22, Z23, tiểu đoàn D81, thuộc Lữ đoàn Đặc công 316, được giao nhiệm vụ đánh chiếm và bảo vệ an toàn cầu Rạch Chiếc cách trung tâm Sài Gòn khoảng 7km về phía Đông để đại quân tiến vào. Riêng quân số của 1 tiểu đoàn và 2Z (2 Đội đặc công, tương đương 2 tiểu đoàn) của Lữ đoàn 316 đặc công tham gia trận đánh lúc đó chỉ có 200 người. Trong khi đó riêng lực lượng lính Việt Nam cộng hòa giữ cầu đã là 400 quân. Ngoài ra, phía Việt Nam cộng hòa còn bố trí vòng rào bảo vệ và chi viện dày đặc từ Ngã tư Thủ Đức, Ngã tư Phước Long, Liên trường quân bị Thủ Đức và trực thăng, giang thuyền ở Tân Cảng và sông Sài Gòn.
Để tránh tạo ra một cuộc giằng co nhiều tổn thất, Lữ đoàn 316 đặc công biệt động quyết định đánh chiếm cùng lúc cả hai đầu cầu phía Bắc và phía Nam. Chiến thuật này còn nhằm làm chủ hiện trường, vô hiệu hoá hai khối thuốc nổ lớn được đối phương đặt dưới cầu với ý đồ nếu không giữ được sẽ phá huỷ cầu để chặn bước quân Giải phóng.
Theo trí nhớ của ông Lê Văn Sơn, thời điểm ấy là 3 giờ sáng ngày 27-4-1975, các chiến sĩ biệt động của đơn vị Z23 và Tiểu đoàn 81 đã nổ súng đúng giờ theo kế hoạch. Đúng giây phút đó, các chiến sĩ biệt động đã bất ngờ tràn lên mặt cầu và nhanh chóng chiếm được đầu cầu phía Đông. Trận chiến diễn ra ác liệt hơn khi bên ta tràn lên chiếm bốt gác bê tông ở phía Bắc cây cầu. Mặc dù so với bên địch rất chênh lệch về lực lượng và trang bị vũ khí, nhưng các chiến sĩ với tinh thần cảm tử đã chiến đấu rất anh dũng.
Sau một giờ đồng hồ, đơn vị Z23 đã chiếm được cầu Rạch Chiếc. Lúc này, theo lệnh chỉ huy, các chiến sĩ đặc công biệt động phải trụ lại trên cầu để đánh phản kích, quyết thực hiện nhiệm vụ được giao là giữ cầu chờ xe tăng của đại quân ta tiến vào thành phố. 
Rạng sáng 28-4-1975, quân địch tổ chức phản công từ 3 hướng với nhiều lực lượng máy bay, xe tăng, pháo, tàu chiến bắn phá dữ dội vào đội hình quân ta để chiếm lại cầu. Do lực lượng địch gấp khoảng 10 lần và hỏa lực cực mạnh, đến trưa ngày 28-4-1975, lực lượng quân ta được phân công ở lại giữ cầu được lệnh rút quân. Có những chiến sĩ đã tình nguyện chặn hậu chiến đấu hỗ trợ anh em rút quân, đánh địch đến viên đạn cuối cùng và bị địch bắt. Kể đến đây giọng ông Lê Văn Sơn nghẹn lại. “Lúc bị địch bắt thì anh em lại mỗi người mỗi nơi rồi, tức là người rút ra được và người không rút ra được, địch đến nó vây nó ném lựu đạn xuống, lúc đó anh em đặc công ở dưới nước mới nổi lên. Nổi lên thì địch bắt các đồng chí của tôi, có đồng chí thì bị chặt đôi người, có đồng chí thì bị mổ bụng”.
Ngày 29-4-1975, quân ta được lệnh tấn công chiếm cầu Rạch Chiếc trở lại và giữ cầu cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đêm 29-4-1975, quân ta lại đồng loạt nổ súng tấn công lực lượng địch bố phòng tại hai đầu cầu. Thêm một trận chiến ác liệt với sự chênh lệch lực lượng cũng như vũ khí nhưng với sự gan dạ, anh dũng của quân ta, các chiến sĩ đặc công một lần nữa nhanh chóng chiếm giữ được cầu.
Khoảng 9 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, chiếc xe tăng đầu tiên của lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tiến qua cầu Rạch Chiếc vào giải phóng Sài Gòn. Để rồi sau đó, lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút sáng hôm ấy.
Ông Lê Văn Sơn. Ảnh: Như Loan
Ông Lê Văn Sơn. Ảnh: Như Loan
Ông Lê Văn Sơn nhớ lại giây phút đó: “Khi chiếm được cầu Rạch Chiếc, xe tăng và bộ binh của ta đi vào giải phóng Sài Gòn, lúc đó chúng tôi sướng quá, tất cả nhảy lên đường vẫy chào, dù trên người chẳng có quần áo gì. Còn giây phút giải phóng thì chúng tôi sướng lắm, anh em nào cũng thế, rất vui sướng và rất tự hào, mình là người chiến thắng. Trong lúc mình vui sướng ấy lại nhớ đến các anh em liệt sỹ những đồng đội của mình hy sinh”.
Kết thúc trận đánh có 52 chiến sĩ đặc công biệt động hy sinh, nhưng chỉ tìm được thi thể, hài cốt 9 người, và chỉ xác định được danh tính 2 người trong số đó. Không tìm thấy đồng đội đó là sự áy náy trong lòng của những người còn sống như ông Lê Văn Sơn đến tận bây giờ. Chiến tranh đã lùi xa cách đây 45 năm, song với những cựu chiến binh tham gia góp một phần công sức cho Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn luôn vẹn nguyên niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Như Loan

Có thể bạn quan tâm