Phóng sự - Ký sự

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.

Giáp mặt toán quân phản động

Một ngày đầu tháng 4, đất trời Tây Nguyên như “rực lửa”, tôi có cơ duyên gặp thượng tá Vũ Thành - cựu Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ (nay là phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk). Ở tuổi 76, ông vẫn rất quắc thước. Chất giọng khoẻ khoắn và hào sảng, ông “vẽ” bức tranh về Tây Nguyên những ngày đầu đất nước thống nhất, gắn với đó là thời “rực lửa” của lực lượng cảnh sát bảo vệ trong cuộc chiến truy quét Fulro.

Ông Thành kể, ngày ấy, vùng đất Tây Nguyên trù phú, phủ màu xanh núi rừng nhưng ẩn sâu trong đó là tội ác của tổ chức phản động Fulro. Đất nước hoà bình rồi mà Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn. Năm 1976, Bộ Công an quyết định thành lập Tiểu đoàn 177, tăng cường cho Công an Đắk Lắk. Tiểu đoàn gồm 310 quân tinh nhuệ, chia làm 3 Đại đội. Ông Thành khi đó làm Phó đại đội trưởng Đại đội 3 của Tiểu đoàn 177. Tất cả cán bộ, chiến sĩ lúc đấy đang ở độ tuổi thanh niên. “Chúng tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Đại hội lần thứ 4 của Đảng thì nhận được lệnh vào Tây Nguyên. Hoa đào sắp nở, Tết gần đến, có người hẹn cưới vợ, người con còn nhỏ dại. Như tôi con trai đầu lòng mới 22 ngày tuổi. Chúng tôi gác lại niềm riêng, lên đường”, ông Thành nhớ lại.

Vừa đến Đắk Lắk, Tiểu đoàn 177 lập tức phối hợp lực lượng tại chỗ tác chiến. Ông Thành giáp mặt với toán Fulro đầu tiên tại huyện Cư Kuin. Lần ấy, quân ta mở đợt truy quét kéo dài 1 tuần, hai bên bắn trả quyết liệt, cuối cùng toán Fulro chạy sâu vào rừng. Vì nhiệm vụ, Tiểu đoàn 177 đóng quân ở nhiều địa bàn xung yếu. Đại đội 3 của ông Thành chốt tại huyện Đắk Mil, Đắk Song (nay thuộc tỉnh Đắk Nông). Nơi đây có toán quân phản động do Hoàng Huân (một tên phản động cộm cán) cầm đầu nhóm tề nguỵ của chế độ cũ, có vũ trang. Chúng lập căn cứ ngoài rừng, hoạt động tại xã Đức Minh, Đức Mạnh (huyện Đắk Mil). Nhóm này cấu kết với Fulro và Pol Pot, mưu đồ lật đổ chính quyền.

Từ kinh nghiệm chiến đấu ở Lào và nhiều chiến trường khác, ông Thành cùng đồng đội lên phương án truy quét Fulro. Trận đánh với toán quân Hoàng Huân diễn ra vào tháng 4/1977. Sáng hôm ấy, ông Thành cùng 11 cán bộ, chiến sĩ mang cơm độn cùng ít cá khô vào rừng. Đi từ sáng đến chiều, đội truy quét phát hiện có dấu vết địch nên chia làm 2 tổ siết chặt vòng vây. Phát hiện người đàn ông mặc quần áo rằn ri giơ súng về phía mình, ông Thành lập tức bắn 3 phát súng. Toán địch chạy xuống suối. Lúc này, ông mới biết người đàn ông gầy gầy, da xanh, tóc rậm vừa bị bắn là Hoàng Huân. Đội truy quét nhanh chóng băng bó vết thương, dùng võng và đòn tre, luồn rừng xuyên đêm hàng chục cây số đưa tên cầm đầu ra ngoài.

Ở tuổi 76, ông Vũ Thành vẫn rất quắc thước

Sau khi Hoàng Huân bị bắt, thuộc cấp của hắn cũng ra đầu hàng, đồng thời tình nguyện dẫn đường đưa lực lượng của ta tiến đánh Trung đoàn 64 của Fulro do Y Klơn - Trung đoàn trưởng cầm đầu, đóng quân tại vùng Đắk Sắk, Đắk Sôr (huyện Đắk Mil).

Những hy sinh thầm lặng

Ông Thành cho hay, cuộc chiến truy quét Fulro ác liệt nhất những năm 1977-1992. Không ít đồng đội hy sinh hoặc trở thành thương binh khi tuổi đời còn trẻ. Nói đến đây, giọng ông bỗng trầm lại. Ông nhắc đến liệt sĩ, thiếu úy Nguyễn Thanh Tùng, hy sinh trong lần tháp tùng đoàn cán bộ Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vào huyện Ea Súp công tác.

“Sự việc xảy ra vào một chiều tháng 10/1978, đoàn công tác bị Fulro phục kích. Chúng nhắm vào cán bộ. Anh Tùng chiến đấu quyết liệt, không may bị trúng đạn. Anh hy sinh để lại cha mẹ già, con nhỏ”, ông Thành trầm tư và nói, không đau xót sao được khi họ cùng băng rừng, lội suối, cùng đến những nơi gian khổ, nóng bỏng nhất. Từ cán bộ chỉ huy đến chiến sĩ cùng ăn, cùng ngủ; chung 1 chiếc giường; hút chung điếu thuốc; tắm chung dòng nước... Đêm xuống, họ cùng nghe chuyện đêm khuya, tỉ tê nhau chuyện gia đình, chuyện chung, chuyện riêng.

Trở lại đơn vị sau 20 năm nghỉ hưu, ông Thành rất tự hào khi nơi đây được đầu tư khang trang, biên chế quân số cũng hùng mạnh, tiếp nối truyền thống vẻ vang, xứng đáng là “Lá chắn thép”, góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ hạnh phúc nhân dân. Nhìn các chiến sĩ hăng say luyện tập, ông Thành như được sống lại thời kỳ “rực lửa” rất gian nan nhưng đầy vẻ vang.

Theo ông Thành, sau 1987-1992, các thế lực phản động không còn chống đối quyết liệt mà chuyển sang phương thức, thủ đoạn mới. Lực lượng cảnh sát bảo vệ cũng linh hoạt, đáp ứng nhiệm vụ cho tình hình mới. Theo ông, ở thời điểm nào, lực lượng cảnh sát cũng phải tinh nhuệ, giữ được sức chiến đấu cao. Lực lượng của ta phải biết dựa vào dân, xây dựng cơ sở vững mạnh, kết hợp các lực lượng khác để đập tan mọi mưu đồ phá hoại đất nước.

“Công tác dân vận rất quan trọng. Chúng tôi kết nối với bà con thông qua các già làng, người có uy tín. Chúng tôi luôn tôn trọng văn hoá, bản sắc của từng dân tộc và sẵn sàng san sẻ nắm cơm, gạo, muối với bà con… Nhà nào nghèo chúng tôi đến bổ củi, gùi nước, phát quang, dọn dẹp đường sá cho buôn làng sạch đẹp…” ông Thành thổ lộ và lưu ý thêm, cần phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tránh để bọn xấu xuyên tạc.

Có thể bạn quan tâm