Tập đoàn PAN nhận ủy quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với giống cây trồng “ST24,” “ST25” tại các thị trường nước ngoài, đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa liên quan...
Cánh đồng lúa ST24 tại xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, Bình Phước. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN) |
Tập đoàn PAN và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí vừa đạt thỏa thuận hợp tác về việc ủy quyền đại diện làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 tại các thị trường quốc tế trọng điểm về xuất khẩu gạo thương hiệu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Tập đoàn PAN cho biết hiện tập đoàn đang gấp rút thực hiện thủ tục bảo hộ tại các thị trường này.
Cụ thể, Tập đoàn PAN nhận ủy quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với giống cây trồng “ST24,” “ST25” tại các thị trường nước ngoài, đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa liên quan, đồng thời thực hiện các hành động ngăn chặn, bảo vệ phù hợp đối với các tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.
Trước sự việc các doanh nghiệp tại Mỹ, Australia đăng ký nhãn gạo ST24, ST25 đã nổi tiếng của Việt Nam mà không phải do họ sở hữu, đại diện Tập đoàn PAN cho rằng đây là hành vi không lành mạnh.
Việc này dẫn tới hệ quả gây nhầm lẫn về nguồn gốc/xuất xứ, gây tổn thất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam và có khả năng làm hỏng hình ảnh của một thương hiệu, tài sản quốc gia đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận...
“Vì vậy, phản đối các hành vi này là điều cần thiết. PAN sẽ tiến hành các bước đi phù hợp, tuân thủ luật pháp nước sở tại để phản đối, cung cấp các căn cứ, bằng chứng chứng minh nguồn gốc tên gọi nhãn sản phẩm,” đại diện Tập đoàn PAN cho biết.
Đồng thời, Tập đoàn PAN cũng sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng, cộng đồng, hiệp hội doanh nghiệp lên tiếng để nhận diện các hành vi này và cùng có các hành động chung tay bảo vệ thương hiệu Việt.
Tập đoàn PAN cho biết Tập đoàn hoan nghênh việc các thương vụ Việt Nam tại Mỹ và Australia gần đây đã nhanh chóng có ý kiến phản đối với cơ quan hữu quan tại nước sở tại về việc doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST24, ST25.
Việc xử lý các tranh chấp thương mại trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, đại diện Tập đoàn PAN cho rằng, việc xử lý các tranh chấp thương mại chắc chắn sẽ cần sự tham gia của cả 3 bên: Nhà nước-Tác giả-Doanh nghiệp (bao gồm cả hiệp hội doanh nghiệp).
“Chúng tôi hy vọng sẽ có một cơ chế hợp tác liên ngành giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong việc hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu có tiếng và các thương hiệu quốc gia đã được công nhận,” đại diện Tập đoàn PAN cho hay.
Cũng theo Tập đoàn PAN, chúng ta sẽ cần học hỏi thêm kinh nghiệm hữu ích từ các quốc gia khác đã đi trước như Thái Lan chẳng hạn, đặc biệt trong việc phối hợp bảo vệ nhãn hiệu nông sản.
Với vị thế và kinh nghiệm của mình, PAN tin tưởng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các thị trường quốc tế đều sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Tập đoàn PAN cho biết hiện tại tập đoàn đang là một trong những nhà sản xuất và cung ứng gạo ST24, ST25 đóng túi lớn nhất tại Việt Nam thông qua công ty thành viên Vinaseed.
Sản phẩm của tập đoàn sử dụng giống bản quyền của tác giả Hồ Quang Cua sau đó được gieo trồng, canh tác, thu hoạch và chế biến trong một chuỗi giá trị khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Trước đó, nhãn hiệu gạo ST25 đã bị 4 tổ chức, cá nhân tại Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ thông tin đã trao đổi với nhà chức trách nước này và khẳng định nguồn gốc giống lúa ST25 do nhóm các nhà khoa học Việt Nam sáng chế.
Giống lúa này đã đạt giải Nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2019 tại Philippines và giải Nhì cuộc thi này vào 2020 tại Mỹ.
Phía Mỹ sau đó đã hướng dẫn quy trình phản đối việc doanh nghiệp khác đăng ký nhãn hiệu ST25.
Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD cũng xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 kèm nội dung là "Gạo, Gạo ngon nhất thế giới."
Thương vụ đã gửi công văn cùng một số tài liệu, hình ảnh kèm theo đến IP Australia để làm rõ giống lúa tên ST24, ST25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam.
Theo Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)