Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gây hậu quả lớn do quản lý yếu kém

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo Gia Lai đã có bài phản ánh về những lỗ hổng trong công tác giao khoán tại Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ khiến quá trình cổ phần hóa bị chậm tiến độ. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi phát hiện thêm nhiều sai phạm trong công tác quản lý của đơn vị này.

Giao khoán trái quy định

Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ (Công ty) được UBND tỉnh giao quản lý hơn 1.193 ha đất (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah), trong đó diện tích đất trồng chè và cà phê là 1.110 ha, còn lại là đất bờ lô và đất phi nông nghiệp. Trong quá trình hoạt động, Công ty đã thực hiện phương án giao khoán theo Nghị định số 01/CP, ngày 4-1-1995 của Chính phủ với hai hình thức: khoán trắng 100% cho người lao động với diện tích 560,309 ha; khoán theo hình thức liên kết với diện tích 395,428 ha để trồng cà phê và chè.

 

Người dân tự ý xây nhà trong diện tích đất giao khoán của Công ty. Ảnh: L.A
Người dân tự ý xây nhà trong diện tích đất giao khoán của Công ty. Ảnh: L.A

Năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, ngày 8-11-2005 thay thế Nghị định số 01. Ngay sau khi Nghị định số 135/2005/NĐ-CP có hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan điều chỉnh lại hợp đồng giao khoán đối với những hộ dân đã ký trước đó theo Nghị định số 01 để thay thế bằng một hợp đồng giao khoán mới theo Nghị định số 135. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng có Thông tư số 102/TT-BNN quy định việc rà soát và xử lý các hợp đồng đã ký kết và ký hợp đồng mới theo Nghị định số 135 phải xong trước ngày 30-6-2007.

Thực hiện chủ trương mới của Chính phủ, Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ đã tiến hành rà soát và ký kết lại hợp đồng giao khoán mới đối với người lao động. Tuy nhiên, hiện nay Công ty vẫn giữ nguyên hình thức khoán trắng 100% cho người dân. Trong khi Nghị định số 135 quy định rõ bên giao khoán đầu tư vốn 100% hoặc bên giao khoán và bên nhận khoán cùng đầu tư vốn chứ không hề cho phép khoán trắng 100%.  

“Tiếp tay” cho người dân vi phạm?

Trong hợp đồng giao khoán, người dân chỉ được đầu tư trồng chè, cà phê mà không được chuyển đổi các loại cây trồng khác hoặc xây dựng nhà ở kiên cố trên diện tích đất giao khoán. Tuy nhiên, qua xác minh thực tế thì hiện có gần 50 ngôi nhà được xây dựng kiên cố và bán kiên cố trên diện tích đất giao khoán. Ngoài ra, một số hộ dân tự ý chuyển đổi sang trồng hồ tiêu và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi.

Sau khi Báo Gia Lai phản ánh về tình trạng này, để “chữa cháy” cho sự buông lỏng quản lý của mình, trong vòng gần 2 tháng trở lại đây, Công ty đã cử đội trưởng của các đội sản xuất đến các hộ dân trên để lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ những hộ dân có xây dựng nhà ở thì các đội trưởng đến đề nghị họ ký vào biên bản với lý do xác nhận có nhà trên đất để được làm bìa đỏ. Sau này, các hộ dân mới phát hiện đó là biên bản vi phạm. Trao đổi với chúng tôi, bà Lâm Thị Hòa-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ, thừa nhận: “Chúng tôi đã có nghe người nhận khoán phản ánh về việc này. Chủ trương của Công ty là đi xác nhận các hộ vi phạm để có hướng xử lý chứ không hề chỉ đạo các đội đi xác nhận có nhà trên đất để được làm sổ đỏ. Sau khi tiếp thu ý kiến phản ánh của người lao động, qua kiểm tra, Công ty xác nhận có việc Đội trưởng Đội 6 là ông Nguyễn Quang Điểm đến gặp các hộ dân vi phạm và có nói không đúng với chủ trương của Công ty gây hiểu nhầm…”.

Không những thế, qua chứng cứ, tài liệu thu thập được thì đã có hàng trăm hộ chuyển nhượng trái phép hợp đồng nhận khoán theo dạng sang tay và tự thỏa thuận giá cả. Điển hình như trường hợp của hộ ông Trần Văn Quýnh (trú tại thôn 7, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) đã sang nhượng 1 ha cà phê (nhận khoán trắng của Công ty) cho ông Nguyễn Thái Bỉnh (trú tại thôn 10) vào năm 2012 với giá hơn 1,2 tỷ đồng; bà Phạm Thị Lẫy (trú tại thôn 5) sang nhượng lô T14, thửa số 172 cho ông Võ Huy Nam với giá 560 triệu đồng… Trong khi đó, theo Nghị định số 135 nếu người nhận khoán không có khả năng thực hiện hợp đồng thì phải trả lại đất cho Công ty để ký hợp đồng giao khoán cho người khác. Công ty có trách nhiệm bồi thường tài sản đã đầu tư .

Để hợp thức hóa những hợp đồng chuyển nhượng trái phép này, Công ty đã ra quyết định thu hồi đất từ người chuyển nhượng để ký lại hợp đồng với người nhận chuyển nhượng. Việc làm này vô hình trung đã “tiếp tay” cho hàng trăm hộ dân bán vườn cây và sang nhượng lại hợp đồng giao khoán trái phép, với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Về vấn đề này, bà Lâm Thị Hòa, thừa nhận: “Công ty không hề biết giá cả chuyển nhượng hợp đồng giao khoán giữa các hộ với nhau… Sai sót của Công ty là không nắm rõ các quy định nên mới chấp thuận để người lao động sang nhượng lại hợp đồng, chứ thực chất không có gì tiêu cực cả…”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chỉ từ năm 2007 đến nay, Công ty đã chấp thuận cho 485 hộ sang nhượng hợp đồng giao khoán trái phép.

Sự yếu kém trong công tác quản lý của Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ đã gây ra những hậu quả lớn. Bởi lẽ, hầu hết các hộ dân xây dựng nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng giao khoán đã chi ra số tiền rất lớn nên khi bị xử lý theo quy định của pháp luật sẽ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần nhanh chóng có hình thức xử lý thích đáng những việc làm thiếu trách nhiệm của lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm