Gây quỹ thanh niên để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với hoạt động phong trào Đoàn tại các đơn vị cơ sở, thiếu kinh phí hoạt động luôn được coi là vấn đề nan giải. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn tại hầu hết các chi đoàn cơ sở trong tỉnh.

Tuy nhiên, nhiều chi đoàn đã tìm được cho mình lối đi riêng giải quyết được vấn đề nan giải đó để từng bước đẩy mạnh hoạt động của chi đoàn thanh niên tại địa phương.

Trước đây, xã Glar là địa phương còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Đak Đoa. Bài toán nâng cao chất lượng hoạt động phong trào Đoàn vốn đã khó, đối với một xã có hơn 95% thanh niên là người dân tộc thiểu số như Glar thì lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, ngày nay nếu có dịp đến Glar, có thể cảm nhận rõ một luồng sinh khí mới được thổi vào hoạt động Đoàn tại đây.

 

Đoàn viên thanh niên trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây cà phê. Ảnh: H.Đ.T
Đoàn viên thanh niên trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây cà phê. Ảnh: H.Đ.T

Đã nhiều năm nay, Đoàn xã Glar được đánh giá là đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng hoạt động phong trào và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận tại địa phương. Câu chuyện gây quỹ của Đoàn xã Glar được bắt đầu từ cách đây gần 10 năm. Vốn là một địa phương có phong trào văn hóa, thể thao phát triển rất mạnh, nhất là hai môn bóng đá và bóng chuyền. Đây cũng chính là con đường đoàn kết, tập hợp thanh niên nhanh và hiệu quả.

Tuy nhiên lúc đó, quỹ đoàn nghèo đến nỗi không có tiền mua bóng cho thanh niên, sân bóng xuống cấp cũng không có kinh phí sửa chữa. Vì thế, nhiều phương thức được đưa ra để gây quỹ như tổ chức cho thanh niên đi làm thuê thời vụ, hái cà phê, làm cỏ mì, phụ hồ… nhưng không mấy hiệu quả. Khi ý kiến mượn đất của xã để trồng cây gây quỹ đưa ra và nhận được sự đồng thuận của đông đảo đoàn viên thanh niên thì câu chuyện quỹ đoàn mới có lời giải. Đó cũng chính là lúc 2 ha đất hoang của xã Glar được hàng trăm thanh niên trong xã đồng tâm hợp lực cải tạo và canh tác.

Sau hơn 2 năm vườn cà phê thanh niên đã xanh tốt, đây cũng chính là kết quả của sự đồng lòng của đoàn viên thanh niên. Sau vụ bói đầu tiên với kết quả khả quan, những năm tiếp theo, vườn cây cho thu hoạch trên 100 triệu đồng/vụ. Vậy là từ đó, vườn cà phê của Đoàn xã Glar đều đặn sinh trưởng, phát triển tốt, đều đặn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và trở thành nguồn kinh phí chính cho các hoạt động phong trào tại xã, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.

Đặc biệt hơn, phần lớn từ nguồn quỹ này đã được Đoàn xã sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình dân sinh tại địa phương, làm đường liên thôn cho xã. Đến nay, thanh niên đã làm được 2,5 km đường liên thôn trị giá 250 triệu đồng, chưa kể năm nào thanh niên cũng sửa chữa khoảng 1,5 km đường nội đồng.

Cũng như xã Glar, xã Kon Thụp huyện Mang Yang có nhiều mô hình thanh niên gây quỹ rất hiệu quả. Tiêu biểu nhất là mô hình gây quỹ từ rẫy mì với tổng diện tích 3 ha của làng Dơ Nâu. Được sự vận động tích cực của Đoàn xã, nhiều năm nay đoàn viên thanh niên trong làng rất tích cực góp công góp sức để lao động sản xuất trên mảnh đất này. Hàng năm, rẫy mì này cho thu nhập hơn trăm triệu đồng. Số tiền thu được, chi đoàn dùng để tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao cho thanh niên.

Không dừng lại ở đó, để sinh lợi thêm từ nguồn quỹ của mình bằng cách mua khung, rạp để cho thanh niên trong xã và các xã lân cận thuê với số tiền rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Cách làm này vừa đáp ứng được nhu cầu tổ chức lễ, hội của thanh niên mỗi khi có việc lại vừa thu được nguồn quỹ đáng kể. Cách làm trên của chi đoàn làng Dơ Nâu đã nhận được sự ủng hộ tích cực của thanh niên trong làng. Đây cũng là động lực để hầu hết đoàn viên thanh niên tại đây rất hăng hái, nhiệt tình tham gia vào các hoạt động do chi đoàn phát động và tổ chức. Nhờ vậy mà nhiều năm nay, chất lượng hoạt động của chi đoàn làng Dơ Nâu nói riêng, Đoàn xã Kon Thụp được nâng cao rõ rệt.

Cũng là mô hình mượn đất để sản xuất gây quỹ như xã Glar huyện Đak Đoa, xã Kon Thụp huyện Mang Yang nhưng cách làm và cách sử dụng nguồn quỹ ở mỗi nơi lại mang một nét đặc trưng riêng. Đối với làng Yun, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ,  đoàn thanh niên đã mạnh dạn mượn 4 ha đất của xã để khai hoang trồng mía. Hàng năm từ diện tích mía này cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Có được nguồn quỹ, chi đoàn làng dùng một phần để giúp đỡ, hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong làng phát triển kinh tế, nguồn quỹ này còn được dùng làm kinh phí cho nhiều hoạt động chung tại địa phương như tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hóa… đặc biệt, nguồn quỹ này còn được dùng để mua cồng chiêng, từ đó đã góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mô hình gây quỹ thanh niên rất hiệu quả. Tùy vào đặc điểm của từng vùng mà mô hình gây quỹ cũng được xây dựng một cách phù hợp, hiệu quả. Đây là những cách làm sáng tạo, phần nào thể hiện được tính tích cực, chủ động của thanh niên trong việc tìm hướng đi để nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm