Vùng đất Tuy An, Phú Yên nổi tiếng với các sản phẩm thủ công từ chiếu cói suốt hàng trăm năm qua.
|
Tại làng Phú Tân, chiếu cói không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng mà còn tiêu thụ ra các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Thời tiết trong vùng khô nóng nên chiếu cói với nguyên liệu tự nhiên giúp giấc ngủ ngon hơn. |
|
Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân hiện có hơn 25 ha trồng cói sẵn có tại địa phương. Nhờ nguồn hàng ổn định, làng nghề nhiều năm nay vẫn phát triển mạnh, giúp giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động trong vùng. |
|
Cả làng nghề hiện có 2 tổ hợp sản xuất chiếu bằng máy. Tổng giá trị sản phẩm tiêu thụ của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân bình quân đạt trên 5,3 tỷ đồng một năm. Trung bình một người làm chiếu thu nhập khoảng 4 triệu đồng một tháng. |
|
Để làm ra một chiếc chiếu cói cần trải qua nhiều công đoạn. Cói thu hoạch rồi đem phơi, bó lại từng bó rồi mới đem nhuộm. Sau khi nhuộm tiếp tục phơi, trước khi dệt. Nhuộm cói là công đoạn quan trọng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm. |
|
Phơi cói cần nắng tốt thì màu mới được tươi, đẹp. |
|
Do nhu cầu thị trường ngày càng tăng, nhiều gia đình ở làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân đã trang bị máy móc để dệt, giúp tăng năng suất sản phẩm. Hiện làng có 2 tổ hợp sản xuất chiếu bằng máy. |
|
Phần lớn lao động tại làng là nữ. |
|
Nhiều người lớn tuổi vẫn còn làm nghề. Với kinh nghiệm lâu năm, họ chỉ dẫn lại cho người mới vào nghề. Một cặp chiếu dệt thủ công, giá khoảng 50.000 - 60.000 đồng, chiếu dệt máy giá lên 130.000 - 160.000 đồng mỗi cặp. |
|
Sản phẩm chiếu của làng nghề không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định... Làng chiếu nằm ở xã An Cư, huyện Tuy An. Từ thành phố Tuy Hoà, bạn có thể chạy xe theo hướng quốc lộ 1A, đến ga Phú Tân hỏi người dân địa phương để đến nơi. Bạn có thể kết hợp chuyến thăm làng chiếu và đầm Ô Loan trong ngày. |
Theo VNE