Ghi nhận từ cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 6-2001, Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã thống nhất đổi tên cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” thành CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đây là CVĐ mang tính toàn dân và toàn diện, có sức lan tỏa lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới.

   Trao đổi kinh nghiệm công tác xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.      Ảnh: Thanh Nhật
Trao đổi kinh nghiệm công tác xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã hướng dẫn các địa phương trong tỉnh tuyên truyền sâu rộng về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của CVĐ theo tinh thần nội dung Đề án 01/ĐA-MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tiếp tục nâng cao chất lượng CVĐ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong giai đoạn mới.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chú trọng công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc và tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Ủy ban MTTQ cấp tỉnh và huyện và các tổ chức thành viên đã chọn một số xã và hàng trăm khu dân cư làm điểm xây dựng các mô hình tự quản như “Khu dân cư tự quản”, “Đường phố tự quản”, xây dựng xã, phường và khu dân cư không có tai nạn giao thông.

Các địa phương trong tỉnh cũng thường xuyên duy trì công tác vận động quần chúng là đồng bào có đạo, động viên các vị chức sắc tôn giáo phát huy vai trò của mình trong việc đoàn kết tập hợp đồng bào theo đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, xây dựng tinh thần đoàn kết lương-giáo trong khu dân cư, cùng với bà con tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội, tương thân tương ái, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các sinh hoạt tôn giáo, nâng cao tinh thần cảnh giác với âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch...

Mặt trận Tổ quốc đã vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, giữ vững mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Toàn tỉnh hiện có 2.156 tổ hòa giải, 222 ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và 134 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã góp phần ngăn chặn kịp thời được nhiều hiện tượng làm sai quy định pháp luật, nhũng nhiễu, tiêu cực.

 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai CVĐ “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Bên cạnh đó, khối MTTQ đã động viên nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống và vật tư, kinh nghiệm sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Trong 5 năm gần đây,  Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã triển khai xây mới 1.306 căn nhà “Đại đoàn kết” và sửa chữa hơn 200 căn nhà cho hộ nghèo. Đồng thời áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như trợ giúp tiền mua giống cây trồng, vật nuôi, tặng quà Tết cho hộ nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo, trợ giúp cứu đói, hỗ trợ khám-chữa bệnh, trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai, hoạn nạn...

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Công an tỉnh đã phối hợp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2001/NQLT về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới”, đồng thời triển khai thực hiện Đề án 01-138/CP về “Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” giai đoạn 2011-2015.

 

Mặt trận Tổ quốc tỉnh còn phối hợp với Ban An toàn Giao thông (ATGT) tỉnh ký kết chương trình phối hợp về việc “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” trên địa bàn tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã  phối hợp triển khai xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư và gia đình bảo đảm trật tự ATGT” tại làng Lang (phường Chi Lăng-TP. Pleiku) và làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê-huyện Chư Sê). Toàn tỉnh có 300.000 hộ gia đình và 2.160 khu dân cư đăng ký vào bản cam kết “Khu dân cư và gia đình bảo đảm trật tự ATGT”, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh…

Thông qua CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đến nay toàn tỉnh có 200.500 gia đình được công nhận văn hóa và 1.179 khu dân cư văn hóa.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm