(GLO)- Giữa cái nắng hanh nồng cuối tháng 4, chúng tôi trở về với xã Gào (TP. Pleiku) anh hùng-nơi có mái nhà rông vươn mình cao vút, những đồng lúa được ướp bởi sắc vàng óng ả. Và trên mảnh đất ấy, lũ làng cũng đang rộn ràng nhịp chiêng, điệu trống để hòa chung niềm vui toàn dân tộc-niềm vui của ngày chiến thắng 30-4 lịch sử.
Vinh dự được trở về với căn cứ địa cách mạng xã Gào qua hành trình Về nguồn “Nối vòng tay lớn” cùng 150 thành viên trong Cụm thi đua Khối các cơ quan Đảng tỉnh, tôi đã được sống trọn vẹn với nhiều cung bậc cảm xúc trong “chiếc nôi cách mạng”. 39 năm trôi qua, nhưng những ngày tháng 4 đầy tự hào của dân tộc vẫn cứ mãi hiện hữu trong lòng mỗi người dân nơi đây.
Sống mãi hào khí tháng 4
Đoàn nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng trong đêm lửa trại. Ảnh: Trần Dung |
Cách TP. Pleiku 18 km về hướng Tây Nam, xã Gào đón chúng tôi bằng những tia nắng dịu nhẹ của ngày mới. Không ồn ào, vội vã, vạn vật của núi rừng chuyển động nhịp nhàng như những thước phim quay chậm. Vùng đất huyền thoại được tái hiện trầm hùng qua điệu cồng chiêng, những vòng xoang và trong cả giọng kể âm vang của già làng. “Với quân thù, núi rừng nơi đây là “túi thiêng” Cách mạng nên chúng ra sức củng cố, hình thành ngoại vi phòng thủ thị xã, ngăn chặn các cuộc tiến công của ta ở phía Tây Nam. Địch đã tổ chức hàng trăm cuộc hành quân càn quét, dồn dân lập ấp nhằm triệt phá vùng căn cứ này, nhưng dưới sự che chở, đùm bọc của nhân dân, các cơ quan đầu não kháng chiến vẫn trụ vững. Chúng tranh chấp, giành giật với quân ta một cách quyết liệt. Thế nhưng, chúng đã thất bại”-già làng Rlan Chél (80 tuổi-làng A-xã Gào) tự hào khi giới thiệu về mảnh đất ông được sinh ra và lớn lên.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), xã Gào luôn là địa bàn xung yếu, là căn cứ, là bàn đạp để phát triển thực lực và là nơi đứng chân của lực lượng cách mạng tiến vào nội thị. Với những thành tích kiên cường, bất khuất trong kháng chiến, xã Gào vinh dự được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (năm 1976 và năm 1978).
Và hôm nay, những ngày cuối tháng 4 như trở nên thiêng liêng hơn bởi hương hoa và khói nhang tri ân những con người đã ngã xuống vì quê hương. Không giấu được sự xúc động, cựu tù chính trị Kpăh Klep (làng B-xã Gào) nghẹn ngào: “Ngày ấy, cả làng mình đều theo Cách mạng và có rất nhiều người bị bọn địch giết hại. Năm 1971, bọn Mỹ-Ngụy viện cớ vì mình là con của gia đình có truyền thống Cách mạng nên chúng bắt và đày ra nhà lao tại Nha Trang. Những ngày tiếp theo đó, mình đã phải chứng kiến biết bao sự hy sinh của đồng bào”. Không chỉ ông Kpăh Klep mà hết thảy những ai đã đi qua chiến tranh, đi qua những ngày sinh tử trên căn cứ địa xã Gào đều không khỏi bàng hoàng, xúc động. Được trở về với buôn làng, với con suối, ngọn núi là cả một giấc mơ với họ. “Ngày bị đày ải, mình thèm được uống nước suối nguồn, được đánh vang tiếng chiêng và được nhảy múa trong nhà rông. Vậy mà hôm nay mình đã thực hiện được những điều đó. Thật là một phép màu”-ông Ran Bắp (cựu tù chính trị) đưa ánh mắt của mình về phía nhà rông của làng, tâm sự.
Tháng 4 về, xã Gào tưng bừng, rạng rỡ cờ hoa hướng về đại lễ của dân tộc với những hồi ức về bao ngày gian khổ mà hào hùng của quân và dân toàn xã trong chặng đường đấu tranh cùng nhân dân cả nước giành độc lập dân tộc.
Trên mảnh đất anh hùng
Trao quà cho người dân. Ảnh: Trần Dung |
Xã Gào nằm ở sườn Nam của một dải đồi cao phía Tây chân núi Hàm Rồng và thoải dần theo dốc sườn đồi nên cánh đồng lúa cũng uốn lượn mềm mại như dáng hình của thôn nữ. Đây là thời điểm những bông lúa đã ngả sang màu vàng, nặng trĩu. Khắp các làng trong xã, lúa được đưa về chất cao trên nhà sàn, mùi rơm thơm quyện chặt vào khoảng không rộng lớn.
Bước ra khỏi chiến tranh, xã Gào là nơi mà công nhân, nông dân cùng đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết một lòng để cùng nhau vượt qua mọi gian khổ và giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhờ chăm làm nương rẫy, người dân ở 7 thôn, làng trong xã đã có cái ăn, cái mặc, cho con cái tới trường học chữ. Hôm nay vùng đất này đã thực sự thay da đổi thịt. Những vườn cây, ruộng lúa đã xóa mờ vết tích chiến tranh. Những con đường đất bùn giờ đã được làm lại rộng rãi, thênh thang… Ông Puih Ry-Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Người dân ở đây đã thoát nghèo bằng ý chí nghị lực của mình. Hiện nay, toàn xã có hơn 900 hộ nhưng không còn hộ nghèo, chỉ có 9 hộ cận nghèo. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ và nhân dân ở đây đồng thuận, đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.
Khám và phát thuốc miễn phí cho người dân xã anh hùng. Ảnh: Trần Dung |
Về thăm vùng đất Cách mạng anh dũng trong chuyến hành trình Về nguồn, những người đã trải qua bom đạn không tránh khỏi bồi hồi xúc động, còn những người của thế hệ sau thì trong tâm thế vinh dự, tự hào. Bạn Phạm Thị Thu Hà- một trong 28 y-bác sĩ của Trung tâm Y tế TP. Pleiku tham gia khám-chữa bệnh, cấp thuốc cho bà con trong xã, chia sẻ: “Lần đầu tiên em về với xã Gào anh hùng, bà con ở đây rất thân thiện và dễ mến. Đây là chuyến từ thiện ý nghĩa mà những người trẻ như em có cơ hội góp sức mình chăm lo cho sức khỏe của nhân dân vùng căn cứ địa Cách mạng”.
Cùng với hoạt động khám bệnh, phát thuốc miễn phí, đại diện lãnh đạo các đơn vị Khối các cơ quan Đảng tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội và trao học bổng cho học sinh vượt khó, học giỏi trên địa bàn xã. Những món quà, từng cử chỉ, hành động của những người con về với mảnh đất anh hùng đều được người dân nơi đây đón nhận nồng nhiệt, chân thành. “Dân làng vui rất nhiều khi được Đảng và Nhà nước quan tâm. Mỗi hoạt động của chương trình Về nguồn đều thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ với nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ xã nhà”-bà Nguyễn Thị Gái (90 tuổi, thôn 6-xã Gào) tươi cười hạnh phúc.
Đêm lửa trại rộn ràng, ấm áp dưới chân núi Hàm Rồng. Những nhịp chiêng trầm hùng vang vọng giữa núi rừng. Những vòng xoang cứ thế nối dài mãi trong đêm… Bài chiêng “Họ hàng cô, chú, bác” của đoàn nghệ nhân Jrai thấm đẫm vào lòng người bởi âm hưởng sử thi “Hỡi buôn làng, hỡi anh em họ hàng… hãy cùng nhau xông lên đánh đuổi giặc, hãy cùng nhau giữ lấy sông núi, giữ lấy nắm đất của cha ông mình…”.
Trần Dung