Báo Gia Lai đã từng phản ánh trong cơn bão lũ số 11, bò của nhiều hộ dân ở xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, Gia Lai) bị nước cuốn trôi xuống các thôn làng thuộc thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa. Vì mức giá của những người vớt được bò lạc đưa ra quá cao khiến nhiều người không có tiền để chuộc lại.
Hơn chục hộ dân ở xã Ia Broăi đã nhận lại được bò thất lạc sau cơn bão lũ số 11 với số tiền chuộc chỉ khoảng 300.000 đồng trở lại. Người bắt được bò đã thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người mất của, chỉ lấy lại tiền công chăm sóc vài ngày. Thế nhưng số này rất ít. Ông Kpă Bri, buôn Jứ- Ama Hoét, xã Ia Broăi cho biết: “Trong cơn bão lũ số 11 nhà mình mất tổng cộng 6 con bò. Mình đã chuộc lại được 1 con với giá 2 triệu đồng. Còn một con ở xã Chư Gu (huyện Krông Pa) người ta đòi hơn 2 triệu đồng, nhà mình không còn tiền nên chẳng biết làm sao”.
Ông Kpă Bri và con bò đã chuộc 2 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Linh |
Trong nhà chẳng còn gì sau cơn lũ lớn, mà người bắt được bò lạc lại ra giá chuộc quá cao, người mất của chỉ còn biết chạy khắp nơi kêu cứu. Mặc dù chính quyền các địa phương trên đã ra sức vận động người bắt được bò trả lại tài sản cho bà con, “đàm phán” để giảm tiền chuộc cho dân… nhưng các biện pháp trên đều không hữu hiệu. Thương cho cảnh người dân vừa bị mất tài sản, vừa phải lặn lội đi lại nhiều lần tốn kém, lãnh đạo huyện Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa đã hướng dẫn bà con làm đơn đề nghị chính quyền can thiệp. Chị Kpă H’Bơk, buôn Jứ- Ama Hoét, xã Ia Broăi bức xúc: “Sau bão nhà tôi bị mất 3 con bò. Người bắt được bò ở xã Chư Gu đòi phải có 4,5 triệu đồng mới cho chuộc lại, lúc này số tiền đó vượt quá khả năng của gia đình. Chính quyền địa phương đã hướng dẫn tôi và một số người mất bò làm thủ tục kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Krông Pa, thời gian tới sẽ xử. Mong rằng vụ kiện lần này tôi sẽ được nhận lại bò mà không phải trả tiền chuộc quá cao”.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Tòa án Nhân dân huyện Krông Pa cho biết: “Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, cố gắng tìm ra những lý lẽ thật thuyết phục để khổ chủ có thể nhận lại bò bị mất mà không phải trả số tiền chuộc quá cao”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay vẫn còn một số lượng lớn bò của người dân xã Ia Broăi bị mất trong lũ được người bắt mang đi giấu trong rừng chờ thời gian bò thay đổi ngoại hình, dấu vết nhằm đánh lừa chủ cũ. Lãnh đạo huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa cần lưu ý vấn đề trên và tìm cách trả lại tài sản cho người mất.
Ngọc Linh