Gia đình góp phần giữ vững an ninh học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm học nào cũng vậy, ngoài chương trình giáo dục quy định các trường phổ thông và tiểu học đều thường xuyên bàn bạc với Hội Phụ huynh học sinh cách thức phối hợp giữa gia đình với nhà trường để chấn chỉnh tình trạng bạo lực thâm nhập học đường.
Nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực và những cách làm cụ thể để làm trong lành môi trường học đường như: Thành lập ban nề nếp, tổ nhóm học tập, hòm thư tố giác tội phạm, kết nghĩa với một số đơn vị Công an, nêu gương tốt trong học tập, tìm hiểu giúp đỡ hoàn cảnh cụ thể của từng em.. Tuy có sự nỗ lực chung giữa nhà trường và gia đình nhưng không tránh khỏi những điều đáng tiếc xảy ra. Một thầy giáo dạy ở một trường THPT tại địa bàn TP. Pleiku trao đổi với chúng tôi: “Mặt bằng chung về học lực của các em không đồng đều. Đã thế, nhiều em có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, điều kiện thời gian quan tâm đến con ít hoặc quá chiều con nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý các em trong độ tuổi đang lớn. Song, quỹ thời gian ở nhà trường không nhiều nên cần lắm sự đầu tư quan tâm của gia đình”.

Giáo dục học sinh để chấn chỉnh tình trạng bạo lực thâm nhập học đường. Ảnh: K.N.B
Giáo dục học sinh để chấn chỉnh tình trạng bạo lực thâm nhập học đường. Ảnh: K.N.B
Qua đúc rút từ thực tế và ý kiến của nhiều người làm công tác phòng-chống tội phạm đều cho rằng phần lớn các em có hành vi sai phạm ở học đường ít nhiều ảnh hưởng từ hành vi trong cuộc sống của cha mẹ. Em N.T. ở phường Thống Nhất-TP. Pleiku, khi chưa bỏ học đã có lần theo chúng bạn câu móc trộm điện thoại hàng xóm để tham gia vào các trò chơi gọi có thưởng. Tìm hiểu về gia cảnh thì được biết cha mẹ của em T. thường “cơm không lành, canh không ngọt”. Hay như trường hợp các học sinh tại một trường THCS ở TP. Pleiku đánh nhau kèm theo những lời chửi bới tục tằn rồi dùng điện thoại di động ghi lại hình ảnh sự việc, sau đó phát tán đoạn video clip vào năm học 2010-2011 vừa qua. Thực ra trong sự việc này có một phần lỗi của cha mẹ do quá nuông chiều, buông lỏng thiếu sự kiểm soát con cái. Thậm chí các bậc phụ huynh không biết và không để ý con em đi học ở đâu hay đi chơi nơi nào dẫn đến hệ lụy đáng tiếc. Chẳng hạn vụ hiếp dâm gây xôn xao dư luận tại thị xã An Khê vào ngày 18-11-2010. Các đối tượng phạm tội còn rất trẻ, trong số đó có em N.V.T và em L.X.A. (đều là học sinh Trường THCS T.A.) biết sự việc nhưng không tố giác. Cũng trong năm học 2010-2011, em N.T.M.K. (học sinh Trường THPT N.K.) bị một nhóm bạn cùng trường chặn đánh, thay vì báo cáo sự việc với nhà trường, K. lại thông báo cho nhóm bạn bên ngoài “xử” bạn học Đ.T.X.M. 5 nhát dao gây thương tật 79% sức khỏe… Không những vậy, cũng có thầy giáo chưa xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Ngày 5-11-2010, Công an thị xã An Khê bắt quả tang thầy V.X.T. và thầy N.T.B. là Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng của hai trường tiểu học tham gia đánh bạc.


Để giúp các em tiến bộ, hiện nay nhiều trường giao cho giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc với gia đình. Khi các em vắng dù chỉ một tiết học nhà trường đều liên lạc với phụ huynh. Chẳng hạn Trường THCS Phạm Hồng Thái-TP. Pleiku ngay từ đầu năm học, cha mẹ đều phải viết cam kết với nhà trường về an toàn giao thông, phòng-chống ma túy, về an ninh học đường. Ngoài ra, các trường trên địa bàn TP. Pleiku cũng thường xuyên liên lạc để tiếp nhận thông tin từ phường, xã khi học sinh về sinh hoạt tại địa phương.

Chính vì vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường sẽ góp phần điều chỉnh những thay đổi của con trẻ, định hướng để các em phát triển một cách đúng đắn, không bị “lệch hướng” trước những hoàn cảnh khách quan…
Huỳnh Lê

Có thể bạn quan tâm