TN - Đất & Người

Già Ê Đê khuyết tật lưu giữ báu vật gia truyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày nay trước sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, người dân choáng ngợp trước luồng gió mới của văn hóa hiện đại khiến bản sắc văn hóa truyền thống dần bị mai một, cồng chiêng đứng trước nguy cơ bị “chảy máu”. Nhưng bằng tình yêu, già làng Y Cuc Niê ở  xã vùng sâu Ea Tul, huyện Cư Mgar, Đak Lak, bị khuyết tật ở chân đã ở vậy để gìn giữ những bộ cổ vật quý báu của cha mẹ để lại. Nhằm lưu giữ nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê.

Đam mê bảo tồn

Buổi chiều trời nhuộm màu nắng nhạt, trên bậc ngôi nhà sàn gỗ đã được sửa sang không còn nguyên bản như nhà dài truyền thống. Theo thời gian đã dần xuống cấp, già Y Cúc Niê ánh mắt xa xăm trước không gian tĩnh lặng của buổi chiều tà.

 

Ông Y Cuc giới thiệu về chiếc trống cổ trên 100 tuổi. Ảnh: D.Y.T
Ông Y Cuc giới thiệu về chiếc trống cổ trên 100 tuổi. Ảnh: D.Y.T

Bước vào ngôi nhà sàn nhỏ đơn sơ của ông bừng sáng màu thời gian, đập vào mắt chúng tôi chiếc trống màu da trâu đồ sộ được đặt ngay ngắn trên chiếc ghế ở mép bên hông cửa sổ, thông qua sự phiên dịch của bà H Ngheuh Ajun, cán bộ xã Ea Tul dẫn chúng tôi đi, được biết: Chiếc trống cổ này đã hơn 100 tuổi, trống để cố định trên ghế k’pan trong gian khách của ngôi nhà sàn dài. Muốn đưa trống ra khỏi nhà cần phải làm một lễ cúng nhỏ để xin phép mới được mang ra. Nhưng tiếc thay chiếc ghế Kpan của gia đình ông cùng tuổi với trống nhưng đã bị mất trong thời chiến tranh. Chiêng, ché cổ, xà gạc khung dệt được ông sắp xếp ngay ngắn.

Ông không hiểu tiếng kinh, câu chuyện của ông với chúng tôi thông qua sự phiên dịch của bà H Ngheuh Ajun. Trong thời kháng chiến, gia đình ông và người dân trong buôn làng phải di cư ra đèo Hà lan (Buôn Hồ) để sống. Sau 5 năm ông quay lại đây và làm lại ngôi nhà này vào năm 1968 nên kiến trúc không còn nguyên bản như nhà dài truyền thống của dân tộc Ê Đê. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu các “bảo vật” được ông cất giữ bấy lâu, ông cười tươi và nói say sưa về cồng chiêng, ché. Điều đó phần nào cho thấy tình yêu và sự đam mê của ông đối với việc giữ gìn các nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Ngoài 1 cái trống cổ hơn 100 tuổi, ông còn có 1 bộ chiêng 10 chiếc và 20 chiếc ché cổ quý do cha mẹ để lại. Mỗi ngày, các “bảo vật” được ông lau chùi cẩn thận, sáng bóng và xem như là vật báu của mình.

Theo ông, xưa nay, cồng chiêng, ché là những vật dụng gắn bó mật thiết với đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nếu như cồng chiêng được coi như là vật linh thiêng, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc và là nơi trú ngụ của thần linh để che chở, phù hộ cho mỗi gia đình, dòng họ…

Vui vì nhà ở thành… nhà cộng đồng

Từ xưa cũng như nay, mỗi lần trong buôn có lễ hội đều đến mượn cồng chiêng của ông. Đặc biệt trống không được mượn đây là điều cấm kỵ. trống phải để nguyên vị trí không được di chuyển đi đâu trừ khi gia đình nào có việc buồn đột xuất.

 

Ông Y Cuc bên những chiếc ché cổ của gia đình. Ảnh: D.Y.T
Ông Y Cuc bên những chiếc ché cổ của gia đình. Ảnh: D.Y.T

Đôi mắt xa xăm, ông trải lòng: Từ nhỏ ông đã bị khuyết tật ở chân, nên việc đi lại khó khăn không được như những người bình thường. Điều đó khiến ông có chút buồn, tự ti và mặc cảm. Cũng chính như vậy nên ông chẳng muốn phiền hà hay thành gánh nặng cho  ai. Thời gian trôi đi, năm nay đã bước sang tuổi 77 ông vẫn một mình sống cảnh đơn độc không vợ con để gìn giữ báu vật gia truyền của gia đình. Khi hỏi ông giữ để làm gì, ông nói truyền thống thì phải giữ thôi. Điều ông băn khoăn là ông đã lớn tuổi, sau này muốn để lại cho cháu nhưng sợ không giữ được vì nó không nghĩ giống mình.

Ngày trước ở buôn có rất nhiều chiêng ché, nhưng theo thơi gian đã mất dần, một phần vì chiến tranh, một phần người dân đã bán cho người mua đồ cổ dưới xuôi với giá thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực của nó. Tuy nhiên, sau một thời gian xáo trộn đó, các gia đình ngày càng hiểu rõ những “báu vật” trong tay, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ, sưu tầm thêm những bộ cồng chiêng quý để gìn giữ cho thế hệ mai sau. Hiện giờ, trong làng chỉ có mình ông  còn giữ những bộ cồng chiêng, ché và trống hàng trăm tuổi. Khi chỉ cho chúng tôi xem những hoa văn trên ché cổ, tôi cảm nhận ông yêu và bảo vệ văn hóa truyền thống của dân tộc mình như thế nào.

Đã có nhiều lúc khó khăn nhưng ông không bao giờ bán đi những vật dụng này mặc dù có nhiều thương lái tìm mua trả giá cao. Ông sợ bán cho họ, họ sẽ mang đi mất mà sau này không mua lại được.  Bây giờ, mỗi lần trong buôn, xã có lễ hội, nhà ông được chọn làm điểm dừng chân và họ mượn chiêng, ché, để tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào Ê Đê. Khi thấy những người dân, khách tham quan đến, ngắm nhìn, chụp ảnh và hỏi ông về từng hiện vật, ông say sưa kể dù lặp đi, lặp lại như vậy nhưng ông tự hào vì giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ông đã có nhiều người quan tâm, tìm hiểu và chấp nhận trả phí chỉ để được một lần nhìn ngắm, sờ vào và chụp hình lưu niệm cùng với ông. Khi nghe mọi người nói “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, ông rất vui vì nhà nước đã có chính sách để bảo tồn văn hóa cồng chiêng và nghệ thuật truyền thống của dân tộc ông.

Ông Y Toàn A Jun, phó chủ tịch xã Ea Tul cho biết:  Xã có 98% là đồng bào dân tộc Ê Đê, ông  Y Cuc là người duy nhất trong xã còn lưu giữ được nhiều cổ vật trăm tuổi của dân tộc Ê Đê, ở xã này còn có một vài nghệ nhân kể sử thi.

Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm