Kinh tế

Giá hồ tiêu giảm mạnh: Bài học đắt giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, người trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch năm 2017.  Khác hẳn với những niên vụ trước, năm nay, giá tiêu giảm mạnh khiến người nông dân lo lắng.

Giá thấp nhất trong 5 năm

Bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu năm nay, nhiều nông dân rất lo lắng bởi giá tiêu liên tục giảm. Theo khảo sát của chúng tôi, tại các đại lý ở Đak Lak, Gia Lai, Đak Nông... giá tiêu khô được thu mua ở mức 95 ngàn-100 ngàn đồng/kg, giảm 15 ngàn đồng/kg so với cuối tháng 2 và giảm 50-60 ngàn đồng/kg so với niên vụ  trước. Đặc biệt giá giảm tới hơn 100 ngàn đồng/kg so với năm 2012 (220 ngàn đồng/kg). Đây là mức giảm sâu nhất từ khoảng 5 năm trở lại đây.

 

Nhiều nông dân rất lo lắng bởi giá tiêu liên tục giảm. Ảnh: B.T

Chị Quỳnh Anh-chủ đại lý thu mua nông sản ở TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) cho biết: “Những ngày gần đây, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên liên tục giảm mạnh, có thời điểm mỗi ngày mỗi giá khác nhau. Trước đây, giá hồ tiêu cao, chúng tôi mua nhanh, bán nhanh. Riêng năm nay, chúng tôi rất khó mua bởi nhiều hộ nông dân “găm” hàng chờ giá nhích lên. Tuy nhiên, theo tôi được biết, thời gian tới, giá hồ tiêu cũng chẳng mấy khả quan”.

Không những thế, tại Tây Nguyên, nhiều hộ nông dân phải đối diện với tình trạng hồ tiêu bị bệnh gây hại. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đak Lak có hơn 2.776 ha hồ tiêu bị sâu bệnh gây hại, chiếm 10% tổng diện tích hồ tiêu địa phương; tỉnh Đak Nông có hơn 2.349 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh là 642 ha, bệnh chết chậm là 852,855 ha…

 

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), diện tích trồng hồ tiêu cả nước hiện vào khoảng 101.000 ha. Tuy nhiên theo số liệu khảo sát của ngành hồ tiêu cho thấy, diện tích loại cây trồng này đã lên 130.000-150.000 ha, gấp 3 lần so với diện tích được quy hoạch. Với đà này, trong vòng 3-4 năm tới, sản lượng hồ tiêu Việt Nam sẽ đủ cung cấp cho cả thế giới, khoảng 300.000 tấn.

Đi tìm nguyên nhân

Theo dự báo, do thừa nguồn cung nên trong thời gian tới giá hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm mạnh. Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là do giá tiêu trên thế giới giảm. Bên cạnh đó, Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu khiến nguồn cung tăng cao. Cùng với đó, do trong một thời gian dài, giá tiêu trong nước cao ngất ngưởng, trong khi giá các loại sản phẩm nông nghiệp khác giảm mạnh khiến người nông dân đổ xô trồng hồ tiêu làm cho diện tích loại cây này tăng mạnh khiến cho nguồn cung dồi dào nên các thương lái ép giá thu mua để kiếm lời. Với diện tích hiện có, so với định hướng phát triển hồ tiêu đến năm 2020, toàn vùng Tây Nguyên vượt quy hoạch hàng chục ngàn ha; trong đó tỉnh Gia Lai vượt 10.000 ha, Đak Lak và Đak Nông mỗi tỉnh vượt hơn 5.000 ha.

Việc diện tích hồ tiêu ở Tây Nguyên tăng mạnh đã cảnh báo nhiều hệ lụy rất nguy hiểm: phá vỡ quy hoạch cây trồng khác; lạm dụng phân bón hóa học, cây hồ tiêu bị nhiễm sâu bệnh. Hơn nữa vì lợi nhuận nên người dân lại bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt trồng hồ tiêu, không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, hồ tiêu chết hàng loạt. Đặc biệt hơn, với việc đổ xô trồng hồ tiêu như hiện nay, điều tất yếu cung sẽ vượt cầu dẫn đến giá cả sẽ giảm dần khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút. Hệ lụy tiếp theo là tình trạng suy thoái, bạc màu đất đai do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng có tác dụng ngăn chặn sự trôi rửa của đất.

Cần tổ chức lại sản xuất

Nhìn ở mặt tích cực, cây hồ tiêu khá phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Tây Nguyên, giá trị do cây hồ tiêu đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu ở Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững, nhất là diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, vườn cây được đầu tư thâm canh cao độ, nhiều vườn hồ tiêu bị hủy diệt do sự phá hại của sâu bệnh…

Theo các chuyên gia nông nghiệp thì chính quyền địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm hộ, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã kiểu mới… với hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật, thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để không những hạn chế khâu trung gian mà còn đảm bảo chất lượng vật tư. Ngoài ra, ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên cần tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng hồ tiêu; thâm canh để mang lại hiệu quả kinh tế cao; phối hợp với ngành khuyến nông chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đầu tư thâm canh, phát triển cây hồ tiêu bền vững. Đồng thời, các ngành chức năng cần chủ trì xây dựng các chỉ tiêu phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân-doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, cũng cần khuyến cáo nông dân không nên lặp lại thói quen trước đây là chặt bỏ cây trồng khi mất giá, đổ xô trồng loại cây đang được giá. Cần khuyến khích nông dân tập trung đầu tư trồng tiêu sạch, nâng chất lượng hạt tiêu theo hướng bền vững.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm