Gia Lai: Bập bềnh những chuyến đò ngang...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau những trận mưa đầu mùa, dòng nước sông Ba vốn hiền hòa trong mùa khô đã trở nên đục ngầu, chảy xiết. Vậy mà hàng trăm người dân vẫn đổ xô về bến đò Hai Chèo. Con đò có chiều ngang chừng 2 mét, dài 6 mét vẫn chòng chành chở hơn chục người cùng nhiều xe máy… cắt ngang dòng nước để sang sông.
Bến đò “Hai Chèo”
Bến đò Hai Chèo là điểm nối giữa trung tâm huyện Ia Pa và các xã Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul và Ia Broăi. Anh Ksor Tiên- một giáo viên người Jrai công tác tại bên kia sông cho biết: “Con đò của Hai Chèo hoạt động ở đây nhiều năm rồi. Có đò này, bà con đỡ khổ nhiều lắm. Chỉ mất 2.000 đồng đi đò qua sông là đến được trung tâm huyện. Nếu không có đò này thì chỉ biết đi vòng đến gần 40 cây số vừa mất thời gian vừa tốn kém hơn nhiều. Tôi đã 30 năm công tác ở các xã bên kia sông, mỗi ngày đi dạy, tôi tốn 4.000 đồng đi đò. Còn nếu đi đường vòng thì mất hết khoảng 35.000 đồng tiền xăng”.
 Đã có hàng ngàn chuyến đò kiểu này vượt sông Ba. Ảnh: T.T
Đã có hàng ngàn chuyến đò kiểu này vượt sông Ba. Ảnh: T.T
Ngày nào cũng vậy, công việc của Hai Chèo được bắt đầu từ 5 giờ sáng cho đến 7 giờ tối. Nhiều hôm mưa bão, Hai Chèo phải đợi đến 9 giờ đêm để đưa những người khách cuối cùng sang sông. Hôm chúng tôi đến bến đò này, Hai Chèo lại bận đi đám tang của một người hàng xóm và giao việc chèo đò cho con rể. A Chuyên vừa kéo vạt áo lau mồ hôi trên má vừa trò chuyện: “Vì không quen chèo đò nên mệt lắm! Mỗi ngày chèo đò thu được từ 300 ngàn đến 400 ngàn đồng. Chủ nhật kiếm được nhiều hơn, khoảng 500 ngàn đồng. Mùa này nước cạn người và xe máy qua đò chỉ thu từ một đến hai ngàn đồng thôi, mùa nước lũ sông rộng hơn, đò phải gắn máy nổ mới chạy được nên thu nhiều hơn”. Không để khách chờ lâu, A Chuyên bỏ dở câu chuyện với chúng tôi, vội vàng bê tấm ván lót cho người và xe lên đò. Con đò ọp ẹp với hơn chục người và xe máy bấu víu vào nhau chật ních, lắc lư trôi trên dòng nước chảy xiết.

Hai Chèo tên thật là Siu Then- người dân tộc Jrai (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa). Nước da ngăm đen và đôi vai trần vạm vỡ trông anh có vẻ già hơn nhiều so với cái tuổi 46. Hai Chèo giải thích: “Hai Chèo là tên do nhiều người dân ở đây đặt cho mình. Công việc của mình là chèo đò mà”.
Hai Chèo không còn nhớ rõ mình đã bắt đầu công việc chèo đò từ lúc nào. “Khi đó thấy người dân lội sông qua lại rất nguy hiểm nên nảy sinh ý tưởng làm đò để chở khách”. Lúc đầu, anh mua một chiếc ghe nhỏ để đưa khách qua sông. Vì lượng khách quá đông, năm 2005, anh bỏ ra 20 triệu đồng để mua một chiếc đò chạy bằng máy nổ. Mới chỉ hoạt động được 4 năm, cơn bão số 11 năm ngoái đã cuốn trôi con đò. Vừa rồi, anh lại phải bỏ tiền để mua lại một con đò mới.
Nguy hiểm rình rập
Trung bình mỗi ngày chiếc đò nhỏ của Hai Chèo đưa khoảng 500 lượt người vượt dòng sông Ba. Tuy nhiên, chiếc đò không được trang bị phao cứu sinh. “Mình có học lái đò lần nào đâu! Cứ chèo nhiều rồi cũng quen thôi. Mình thấy trên ti vi là khi qua đò phải mặc áo phao, nhưng mình lại không biết mua chỗ nào. Nếu có áo phao thì dù giá cao đến mấy cũng mua…”- Hai Chèo bộc bạch.
Cách bến đò Hai Chèo khoảng 4 km về phía hạ lưu sông Ba, có một bến đò tương tự, nhưng đò còn nhỏ và thô sơ hơn do ông Ama Tgơng người dân xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa) chèo lái. Sự hiểm nguy ở đây cũng không thua kém gì bến đò Hai Chèo.
Hai Chèo chỉnh sửa lại máy nổ trước mùa mưa lũ. Ảnh: T.T
Hai Chèo chỉnh sửa lại máy nổ trước mùa mưa lũ. Ảnh: T.T
Sông Ba là hợp thủy của nhiều suối nhỏ ở thượng nguồn đổ về. Những trận lũ bất ngờ hàng năm trên dòng sông này là cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, việc dùng đò để đưa người và phương tiện qua sông trong mùa mưa lũ sẽ là một thách thức với tử thần.

Được biết, dự án xây dựng một cây cầu bắc qua sông Ba tại địa bàn huyện này đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2012. Tuy nhiên, địa điểm xây dựng cây cầu cách xa khu dân cư và chưa hoàn toàn đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân. Vì thế, việc qua sông bằng đò ở đây vẫn còn tiếp diễn. Trong thời gian chờ đợi ngày cây cầu được khánh thành và đưa vào sử dụng, người dân sống hai bên bờ sông này vẫn phải đối mặt với tử thần đang rình rập hàng ngày mỗi khi sang sông.  
Thanh Sơn- Tiến Thành

Có thể bạn quan tâm