Gia Lai: Chấn chỉnh giao thông học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm học 2018-2019 đã bắt đầu. Tại TP. Pleiku, Gia Lai công tác chấn chỉnh giao thông học đường đang được các trường học và lực lượng Công an các cấp hết sức quan tâm.
Còn đó những lo ngại
Thành phố Pleiku là nơi có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Tại đây, tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông cũng diễn ra khá phổ biến với các lỗi như: điều khiển xe mô tô khi chưa có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định… Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn giao thông học đường luôn là nỗi trăn trở của ngành Công an, trường học và gia đình học sinh.
Nhiều phụ huynh chấp hành tốt các quy định về trật tự an toàn giao thông khi đưa con đến trường. (Ảnh: internet)
Nhiều phụ huynh chấp hành tốt các quy định về trật tự an toàn giao thông khi đưa con đến trường. (Ảnh: internet)
Trong số những vi phạm thường thấy, tình trạng học sinh sử dụng xe mô tô khi chưa có giấy phép lái xe được xem là vấn đề khá nan giải. Hiện nay, tất cả các trường học ở TP. Pleiku đều không nhận giữ loại xe này của học sinh trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, học sinh vẫn "lách luật" bằng cách gửi xe tại các cơ sở tư nhân xung quanh trường. Điều này khiến việc quản lý của các trường gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình đồi dốc và khoảng cách từ nhà đến trường khá xa, nhiều phụ huynh vẫn "đành chấp nhận" cho con mình đi xe phân khối lớn đến trường dù chưa có giấy phép lái xe. Chị Nguyễn Thị Hằng (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) cho biết: "Con tôi học ở một trường khu vực trung tâm thành phố, từ nhà đến trường cũng hơn 13 km. Xe buýt thì không đến được nhà, tôi cũng không có điều kiện cho cháu ở trọ hoặc mua xe máy mới dưới 50 cm3 cho cháu đi học thế nên đành phải cho cháu đi mô tô tới trường. Tôi chỉ dặn cháu đi lại phải đảm bảo an toàn, không phóng nhanh vượt ẩu chứ cũng không biết làm sao".
Tình trạng học sinh đi học bằng xe mô tô cũng khiến các trường phải đau đầu. Thầy Ngô Văn Lễ-Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi-chia sẻ: Nhà trường tuyệt đối không nhận giữ xe phân khối lớn nên xảy ra tình trạng các em gửi xe ở nhà dân bên ngoài, mà ở ngoài thì trường rất khó kiểm soát. Cũng có những trường hợp học sinh đi xe phân khối lớn bị lực lượng Cảnh sát Giao thông xử lý, nhưng nhà trường lại không nắm được thông tin về những em đó để có biện pháp giáo dục. Nhà trường cũng làm việc với phụ huynh học sinh về vấn đề này nhưng nhiều người vẫn cho con mình điều khiển xe phân khối lớn đi học.    
Chấn chỉnh ngay từ đầu năm học


Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ký công văn yêu cầu các đơn vị trường học tổ chức cho học sinh cam kết nghiêm túc thực hiện việc điều khiển xe gắn máy và phương tiện xe 2 bánh chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách, đánh võng, không chở quá số người quy định, không dàn hàng hai, hàng ba, không tham gia đua xe trái phép…


Để chuẩn bị cho năm học mới, Công an TP. Pleiku đang có kế hoạch tham mưu UBND thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường về công tác đảm bảo an toàn giao thông học đường. Theo Thượng tá Lưu Đình Cảnh-Phó Trưởng Công an TP. Pleiku, đơn vị này sẽ tham mưu cho các trường cần quán triệt và yêu cầu phụ huynh cam kết chấp hành Luật Giao thông Đường bộ khi đưa trẻ tới trường. "Các trường cũng cần xem xét phương án mở rộng hệ thống xe buýt chở học sinh để giảm thiểu tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn, đồng thời phải rà soát lại các phương tiện này để đảm bảo an toàn khi lưu thông"-Thượng tá Cảnh cho hay.
Cũng theo Phó Trưởng Công an TP. Pleiku, lực lượng Công an sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát để xử lý các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ kiểm tra các điểm giữ xe ở ngoài khuôn viên nhà trường và yêu cầu viết cam kết không nhận giữ xe phân khối lớn; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, đậu đỗ trái phép gây ùn tắc ở các cổng trường. Công an TP. Pleiku cũng làm việc với các trường để tìm phương án tối ưu cho các phụ huynh đậu đỗ đúng nơi quy định khi đưa đón con em.        
Với các trường, việc xử lý ùn tắc giao thông trước cổng trường cũng được chú trọng. Ví dụ như Trường THPT Lê Lợi, do nằm ở trung tâm thành phố, lại chỉ có một cổng duy nhất trên con đường hẹp, lưu lượng xe qua lại lớn nên luôn có nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông trước cổng trường. Về vấn đề này, thầy Ngô Văn Lễ cho biết thêm: "Mỗi buổi tan trường, học sinh sẽ xếp thành từng hàng để ra cổng lần lượt; bên ngoài cổng trường sẽ có đội xung kích giăng dây để phân luồng giao thông. Với biện pháp này, những năm qua, cổng trường luôn đảm bảo thông thoáng và an toàn".
Lê Gia

Có thể bạn quan tâm