(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích cây cà phê rất lớn của cả nước với hơn 93.100 ha. Hiện nay, nhiều diện tích cà phê đã già cỗi, năng suất thấp cần tái canh và ghép cải tạo. Để chương trình tái canh đảm bảo kế hoạch đề ra, các địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị giống cung cấp cho người dân.
Mô hình ghép cải tạo cà phê tại huyện Đak Đoa phát triển rất tốt. Ảnh: L.N |
Ngày 19-12-2016, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các địa phương khẩn trương thành lập tổ chỉ đạo tái canh và ghép cải tạo cà phê cấp cơ sở để triển khai thực hiện kịp thời vụ; xây dựng vườn ươm để cung cấp giống đủ tiêu chuẩn cho người sản xuất và bố trí lực lượng chuyên môn xúc tiến triển khai thẩm định xác nhận thời gian luân canh đất theo từng vườn cây cụ thể để làm cơ sở cho hộ nông dân thực hiện tái canh và ngân hàng có cơ sở đầu tư vốn vay.
Tiếp đó, ngày 24-1-2017, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tiếp tục triển khai chính sách tái canh cà phê. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế tổ chức thực hiện ngay việc xác định địa điểm xây dựng vườn ươm cây giống cố định tại địa phương và ký kết hợp đồng với cơ sở gieo ươm tại địa phương có đủ điều kiện sản xuất cây giống để sản xuất cây giống cà phê đạt tiêu chuẩn, chất lượng cấp phát cho người dân trồng tái canh theo kế hoạch…
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, các địa phương đang tập trung chuẩn bị điều kiện để ươm giống cấp cho nông dân. Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: Năm nay, huyện thực hiện tái canh và ghép cải tạo khoảng 300 ha. Để có nguồn giống đảm bảo chất lượng, Phòng mua hạt giống từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên để ươm khoảng 170 ngàn cây giống, trong đó có 150 ngàn cây giống TRS1 và 20 ngàn cây giống TR4, TR9. Năm nay, những hộ thuộc vùng thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 được hỗ trợ 100% giống, những hộ tự thực hiện tái canh nằm ngoài vùng này hoặc trồng dặm thì được hỗ trợ 50% kinh phí. Tương tự, huyện Đức Cơ cũng đang chuẩn bị ươm giống để cung cấp cho người dân. Ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Theo kế hoạch, năm 2017, huyện chỉ tái canh khoảng 60 ha. Tuy nhiên, sau khi rà soát nhu cầu của người dân, huyện sẽ thực hiện tái canh hơn 200 ha. Hiện tại, huyện đang xây dựng vườn ươm và ươm giống cấp cho người dân theo quy định…
Các huyện: Chư Pah, Ia Grai, Chư Sê, Chư Pưh không tổ chức gieo ươm nhưng cũng đã thành lập các tổ chỉ đạo tái canh và ghép cải tạo. Cùng với đó, các địa phương chuẩn bị nguồn kinh phí hỗ trợ và hướng dẫn người dân mua cây giống tại các cơ sở ươm giống đảm bảo chất lượng. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: “Huyện cũng đã chuẩn bị kinh phí 800 triệu đồng đầu tư giống hỗ trợ người dân tái canh. Cùng với đó, ngành chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân mua giống tại các cơ sở ươm giống đảm bảo chất lượng, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tái canh cho người dân và xây dựng một số mô hình trình diễn tái canh cà phê”.
Lê Nam
Nhằm tháo gỡ khó khăn về khâu giống cho người dân tái canh cà phê, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31-5-2016 quy định về giống trồng tái canh, sử dụng giống cà phê được cấp có thẩm quyền công nhận, được phép sản xuất kinh doanh. Nguồn vật liệu nhân giống để sản xuất cây giống, chồi ghép phải được lấy từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cà phê đã được cấp có thẩm quyền công nhận. |