Gia Lai chủ động phòng-chống dịch cúm gia cầm lây sang người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay cả thế giới đang phải vào cuộc ráo riết để ngăn chặn nguy cơ đại dịch cúm gia cầm bùng phát trên quy mô toàn cầu. Ở Việt Nam, dịch cúm gia cầm trên người đã quay trở lại. Tỉnh Gia Lai cũng đang ráo riết chuẩn bị các điều kiện ứng phó với dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Huy Dương-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho hay, ngoài cúm gia cầm chủng H5N1 đã lây lan sang người, từ năm 2013 đến nay trên thế giới đã xuất hiện thêm nhiều chủng cúm mới lây lan từ gia cầm hoặc chim hoang dã, như: chủng cúm H7N9, chủng H10N8, chủng H6N1... Trong đó, chủng cúm H7N9 được coi là nguy hiểm nhất do tốc độ lây lan nhanh hơn H5N1, tỷ lệ tử vong tương đương H5N1. Hiện dịch cúm H7N9 đã tiến sát biên giới nước ta (tỉnh biên giới Trung Quốc giáp với tỉnh Lạng Sơn đã ghi nhận bệnh nhân và gia cầm nhiễm H7N9).

 

Kiểm tra trang-thiết bị hỗ trợ cấp cứu phòng-chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Đức Phương
Tủ thuốc phòng chống dịch cúm tại bệnh viện tỉnh được bổ sung thêm cơ số thuốc chống dịch cúm. Ảnh: Đức Phương

Ở nước ta dù chưa phát hiện gia cầm và người nhiễm cúm H7N9, tuy nhiên dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm cũng đã xuất hiện ở nhiều địa phương, trong đó nhiều tỉnh tiếp giáp với Gia Lai như: Đak Lak, Kon Tum, Phú Yên… đã xảy ra dịch cúm gia cầm. Nghiêm trọng hơn đã có 3 người chết do cúm A/H5N1 trong tháng 1 và 2-2014 tại các tỉnh: Bình Phước, Đồng Tháp và Khánh Hòa. Như vậy, ở nước ta dịch cúm gia cầm trên người đã quay trở lại. Riêng tỉnh ta, mới đây tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cách thành phố Pleiku non 10 cây số cũng đã xảy ra ổ dịch cúm trên đàn gia cầm hơn 9.000 con của một hộ gia đình buộc phải tiêu hủy. Mặc dù Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã lấy một số mẫu bệnh phẩm trên người điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đi xét nghiệm nhưng không phát hiện virus H5N1. “Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta có quyền chủ quan vì với tình hình lây lan của đại dịch cúm gia cầm trên quy mô toàn cầu hiện nay và do ý thức của người dân vẫn còn thờ ơ với nguy cơ của đại dịch cúm thì mọi chuyện đều cĩ thể xảy ra”- bác sĩ Dương nói.

Để phòng-chống dịch cúm gia cầm lây lan sang người, hiện nay Bộ Y tế có chủ trương 3 tại chỗ: Phương tiện, vật tư và con người tại chỗ. Thực hiện Công điện số 133/CĐ-TTg  ngày 23-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã có các văn bản chỉ đạo quyết liệt về công tác phòng-chống dịch cầm gia cầm. Sở Y tế chỉ đạo hệ thống y tế đặt trong tư thế sẵn sàng, chủ động phòng ngừa, đối phó với dịch cúm. Đại diện Sở Y tế cho biết, tất cả các Khoa Lây, Khoa bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh đều tổ chức tập huấn phòng-chống dịch cúm, chuẩn bị giường bệnh, máy móc, thiết bị, máy trợ thở tại giường bệnh và các cơ số thuốc kháng virus. “Khoa bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng 20 giường bệnh trong khu vực cách ly phòng khi có bệnh nhân nhập viện. Các máy móc, trang-thiết bị y tế, thuốc và hóa chất phục vụ điều trị và phòng ngừa bệnh dịch đã được chuẩn bị sẵn sàng”.-bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết.

 

Khoa bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chuẩn bị 20 giường bệnh tại khu vực cách ly sẵn sàng ứng phó với dịch cúm. Ảnh: Đức Phương
Kiểm tra trang-thiết bị hỗ trợ cấp cứu phòng-chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Đức Phương

Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã thành lập 3 đội chống dịch lưu động thường trực 24/24 giờ sẵn sàng lên đường hỗ trợ các địa phương chống dịch, đồng thời cử cán bộ y tế thường trực tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ để “canh chừng” bệnh dịch xâm nhập từ biên giới Campuchia. Ngoài ra, Trung tâm kịp thời lên kế hoạch tổ chức tập huấn, phương án cách ly triệt để và dập dịch ngay khi có dịch xảy ra. Hiện nay thuốc tiêu độc khử trùng Cloramin B và các trang thiết bị khác như: quần áo, kính, mũ… của chương trình Sars để lại vẫn còn đủ, kể cả thuốc điều trị Tamiflu dự trữ trong kho của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh vẫn đủ để sử dụng khi cần.

Ở tuyến huyện, cánh phía Đông và Đông Nam tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly và giường bệnh tại Bệnh viên Đa khoa khu vực An Khê và Ayun Pa. Bác sĩ Nguyễn Thị Quyện-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa cho biết: “Ngoài việc sử dụng lại các phương tiện vật chất, 5 giường bệnh của kế hoạch phòng-chống Sars trước đây để đảm bảo các điều kiện cấp cứu, điều trị, vấn đề quan trọng nhất của tuyến cơ sở chính là việc phát hiện ca bệnh đầu tiên để cách ly, hạn chế bệnh lây lan, tránh bùng phát thành dịch”.

Để phòng-chống bệnh cúm hiệu quả, theo bác sĩ Nguyễn Huy Dương-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tốt nhất người dân nên áp dụng nghiêm ngặt 4 biện pháp phòng-chống bệnh cúm mà Bộ Y tế đã ban hành. Đó là, tuyệt đối không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia cầm bị bệnh, không ăn tiết canh gia súc, gia cầm. Trong trường hợp có người bị sốt, khó thở, ho mà có yếu tố tiếp xúc với gia cầm thì lập tức phải đến ngay các cơ sở y tế. Phải giữ vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc với các khu vực có gia cầm bị bệnh và chết hàng loạt. Các gia đình có nuôi gia cầm phải thường xuyên sử dụng hóa chất tẩy trùng đã được cấp để tẩy uế khu vực xung quanh nhà ở, xung quanh chuồng trại chăn nuôi gia cầm để đảm bảo không có virus cúm tồn tại trong môi trường và lây lan sang người.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm