Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai chủ động phương án ứng phó thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Gia Lai và các sở, ban, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2019.

Thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản

Từ năm 2018 đến nay, mặc dù các cấp chính quyền và ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp ứng phó song thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn rất lớn. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh có 6 đợt mưa lớn kèm theo giông, lốc, sét đã làm thiệt hại tài sản, hoa màu người dân khoảng 25,8 tỷ đồng và làm 5 người chết. Riêng 5 tháng đầu năm 2019, thiên tai trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại khoảng 17,1 tỷ đồng, làm chết 1 người.


 

Lực lượng chức năng xã Ia Broăi (huyện Ia Pa) sửa lại xuồng để phục vụ cho công tác phòng-chống lụt bão. Ảnh: L.N

Ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho hay: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 1 vụ sét đánh chết 1 người và gió lốc làm tốc mái 64 nhà dân, thiệt hại tài sản khoảng 488 triệu đồng. Huyện đã kịp thời hỗ trợ, động viên nhân dân và chỉ đạo các xã huy động lực lượng giúp dân sửa chữa nhà cửa, ổn định đời sống.

Còn tại Ia Pa, ông Huỳnh Vĩnh Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác PCTT-TKCN. Năm 2018, trên địa bàn huyện xảy ra lũ lụt nhưng không nguy cấp như những năm về trước. Tuy nhiên, trong đợt mưa lớn dài ngày vào cuối năm, nước ở suối Đak Pi Hiao dâng cao, có 1 người dân ra tắm bị đuối nước. Ngoài ra, trên địa bàn còn xảy ra 2 vụ sét đánh làm 3 người chết. Trong khi đó, ở Ia Grai, ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Năm 2018, mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện đã làm hư hại 1 ngôi nhà ở của người dân, trôi 7 cây cầu dân sinh, sập 31 m tường rào trường học và làm mất trắng 107 ha lúa nước, chết khoảng 600 ha hồ tiêu…

Chủ động ứng phó

Năm 2019, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ có xu hướng duy trì trạng thái El Nino trong nửa đầu năm 2019 với xác suất 80-90% và thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, lũ quét, giông, lốc, sét… có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh. Để chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, các địa phương cần quán triệt nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và phương châm “4 tại chỗ”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết: Năm 2019, huyện đã xây dựng kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và chỉ đạo các cơ quan liên quan, các xã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về phương tiện, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Huyện đã trang bị 4 chiếc xuồng để phục vụ công tác phòng-chống lụt bão và phân bổ ngân sách cho các địa phương để chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra. “Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy điện, thủy lợi thực hiện xả lũ đúng quy trình được phê duyệt và thông tin cung cấp phải chính xác để huyện thông báo kịp thời cho nhân dân”-ông Hương nói.

Tương tự, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho hay: Thị xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, chúng tôi xác định khi thiên tai xảy ra thì tiến hành xử lý theo từng cấp độ, nếu ở cấp xã vượt quá khả năng xử lý thì báo cáo UBND thị xã để có sự phối hợp ứng phó kịp thời. Chúng tôi đã giao Phòng Kinh tế phối hợp với cơ quan Quân sự, Công an thị xã tham mưu chuẩn bị phương tiện để ứng phó khi thiên tai xảy ra; đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, cập nhật thông tin kịp thời, liên tục về việc xả lũ của các thủy điện để các xã, phường nắm bắt và kịp thời thông báo đến người dân chủ động ứng phó.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, theo ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, khi thiên tai xảy ra, các địa phương cần chủ động bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ tại những nơi lũ cô lập và tổ chức di dời dân đến nơi an toàn. Các địa phương cũng phải tổ chức rà soát bổ sung, chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng với phương châm “4 tại chỗ” cho sát với thực tế, sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra; tiến hành rà soát lại toàn bộ kế hoạch, phương án PCTT-TKCN đến năm 2020, đặc biệt hàng năm phải cập nhật, xác định lại từng khu vực có khả năng xảy ra thiên tai, nguy hiểm, vùng sạt lở để cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

“Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp phải tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa để sẵn sàng ứng phó. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn theo quy định. Giám sát chặt chẽ việc vận hành xả lũ các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và xây dựng quy chế phối hợp khu vực hạ du. Khi xảy ra thiên tai phải nhanh chóng tổ chức khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân và tổng hợp báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại về Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh”-ông Có nhấn mạnh.

 

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm