Gia Lai chú trọng lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) mà còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khi triển khai các dự án giao thông. Bởi vậy, giữ ổn định quy hoạch hành lang an toàn giao thông là rất cần thiết. 
Giữ vững chỉ giới
Trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã chọn 2 xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) và Chư Gu (huyện Krông Pa) thí điểm mô hình bảo vệ hành lang ATGT. Thanh tra Sở GT-VT bố trí cán bộ, thanh tra viên phối hợp cùng chính quyền 2 xã đến từng hộ dân có công trình xây dựng nằm trong chỉ giới quy hoạch giao thông đường bộ để tuyên truyền, vận động và ký biên bản ghi nhận hiện trạng công trình.
Ông Nguyễn Hữu Cường-Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông số 2 (Thanh tra Sở GT-VT) chia sẻ: “Sau hơn 1 tháng triển khai, chúng tôi đã tiến hành ghi nhận hiện trạng, lập biên bản làm việc với đại diện từng gia đình có vật kiến trúc dọc 2 bên tuyến đường”.  
Theo kết quả ghi nhận của tổ công tác thì 535 trường hợp có tường rào, cổng ngõ, nhà ở, mái che… nằm trong phạm vi hành lang ATGT. Trong đó, xã Chư Gu có 372 công trình xây dựng vi phạm hành lang ATGT. Đáng nói, chiếm hơn 30% trong số này là công trình nhà ở kiên cố, nhiều căn nhà là của các hộ dân tộc thiểu số. Tại xã Ia Rtô, có 163 trường hợp có công trình xây dựng nằm trong phạm vi hành lang ATGT (trong đó có 60 trường hợp là nhà ở, 95 trường hợp là công trình tường rào, mái che nằm trong hành lang ATGT).
“Quốc lộ 25 đã qua một số lần điều chỉnh mở rộng mốc lộ giới. Do đó, một số công trình được người dân xây dựng trước khi điều chỉnh nằm trong hành lang ATGT. Tuy nhiên, vẫn có công trình được người dân xây dựng sau khi có chỉ giới mới”-ông Cường thông tin.
 Thanh tra Sở GT-VT trao đổi với ông Nguyễn Chất Hưng (buôn Ka Tô, xã Chư Gu, huyện Krông Pa) về công trình quán tạm xây dựng trong hành lang atgt. Ảnh: Lê Hòa
Thanh tra Sở GT-VT trao đổi với ông Nguyễn Chất Hưng (buôn Ka Tô, xã Chư Gu, huyện Krông Pa) về công trình quán tạm xây dựng trong hành lang ATGT. Ảnh: Lê Hòa
Là hộ có hàng quán nằm trong hành lang ATGT, ông Nguyễn Chất Hưng (buôn Ka Tô, xã Chư Gu) cho biết: Năm 1984, gia đình vào huyện Krông Pa theo diện kinh tế mới và được cấp 1 thửa đất có diện tích 30x60 m nằm dọc theo quốc lộ 25. Thời điểm cấp đất, mốc lộ giới trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện là 10 m, tính từ tim đường. Năm 2013, ông Hưng xây dựng một quán tạp hóa.
“Mới đây, khi cán bộ, thanh tra viên Sở GT-VT đến làm việc, ghi nhận hiện trạng thì phát hiện phần mái che hàng quán của gia đình tôi nằm trong hành lang ATGT. Khi nào Nhà nước đầu tư mở rộng đường, cần giải tỏa để lấy quỹ đất, chúng tôi sẵn sàng tháo dỡ hàng quán để bàn giao mặt bằng”-ông Hưng nói.
Tương tự, anh Bùi Trung Kiên (cùng thôn) cho biết: Gia đình anh đang sinh sống trong căn nhà được xây dựng từ lâu. Sau khi điều chỉnh mốc lộ giới, có khoảng 40 m2 mái che (trụ gỗ, lợp tôn) nằm trong hành lang ATGT. “Khi Nhà nước triển khai dự án mở rộng đường, gia đình tôi sẵn sàng tháo dỡ để hoàn trả hành lang ATGT”-anh Kiên khẳng định.
Cần sự chung tay vào cuộc
Ông Nay Chen-công chức địa chính, xây dựng xã Chư Gu-cho biết: Phần lớn hộ dân sinh sống dọc 2 bên tuyến đều nắm được thông tin mốc chỉ giới giao thông mới là 25 m tính từ tim đường. “Qua đợt kiểm tra, ghi nhận hiện trạng, hầu hết người dân đều chấp hành, ký biên bản làm việc và bày tỏ ủng hộ chủ trương mở rộng đường, tự tháo dỡ công trình nằm trong hành lang ATGT. Tuy nhiên, một số hộ dân tộc thiểu số đề đạt nguyện vọng khi tháo dỡ, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí vì bà con phần lớn cuộc sống khó khăn, di dời nhà cửa là việc làm tốn kém tiền của, công sức”-ông Chen chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Khánh-Bí thư Đảng ủy xã Chư Gu-cũng cho rằng: Xã có trên 1.700 hộ, trong đó có hơn 50% số hộ sinh sống dọc 2 bên quốc lộ 25. “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này. Thời gian tới, Đảng ủy và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để bà con hiểu và chấp hành nghiêm các nội dung biên bản đã ký kết”-ông Khánh nói.
Chính quyền địa phương và công chức Sở Giao thông-Vận tải đo đạc hiện trạng công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông. Ảnh: Lê Hòa
Chính quyền địa phương và công chức Sở GT-VT đo đạc hiện trạng công trình vi phạm hành lang ATGT. Ảnh: Lê Hòa
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Đức Mạnh-Phó Chánh Thanh tra Sở GT-VT-cho biết: Việc ghi nhận, kiểm tra hiện trạng trên tuyến sẽ giúp Thanh tra Sở nắm bắt được những dữ liệu cần thiết nhất dùng làm căn cứ để tham mưu giúp xây dựng kế hoạch, triển khai các bước cần thiết để huy động các đơn vị, sở ngành và địa phương chung tay triển khai tốt việc giữ gìn hành lang ATGT.
“Lâu nay, nhiều nơi vẫn còn diễn ra tình trạng vi phạm hành lang ATGT; thậm chí sau khi bị xử lý vẫn tiếp tục tái lấn chiếm, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Thời gian tới, Thanh tra Sở GT-VT sẽ tiếp tục làm nghiêm, làm mạnh vấn đề này để từng bước lập lại trật tự”-ông Mạnh khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT Đoàn Hữu Dũng: Bảo vệ hành lang ATGT, giữ vững quy hoạch giao thông là giải pháp cần thiết để đảm bảo ATGT, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc hành lang ATGT không đảm bảo. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài giúp ngành GT-VT và chính quyền địa phương chủ động trong việc triển khai các công trình, dự án cải tạo, mở rộng hạ tầng giao thông. Qua đó, tiết kiệm tối đa chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng phát sinh không cần thiết.
“Thời gian đến, tỉnh sẽ triển khai một số dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông các tuyến đường quan trọng. Do vậy, chú trọng giữ quy hoạch chỉ giới các tuyến giao thông là việc làm cần thiết”-ông Dũng nhấn mạnh.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm