Gia Lai có 7.138 hộ thoát nghèo trong năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 22-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021-2025 chủ trì cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá tình hình thực hiện công tác giảm nghèo năm 2022 và triển khai kế hoạch giảm nghèo năm 2023.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, tổng số vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trên 164 tỷ đồng. Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã huy động được hơn 5,92 tỷ đồng; đã triển khai xây mới và sửa chữa 59 căn nhà, hỗ trợ phát triển sản xuất, khám-chữa bệnh, giúp học sinh học tập, chăm lo cho hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán… với tổng số tiền trên 4,82 tỷ đồng.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Mộc Trà
Năm 2022, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 2,03% (tương ứng giảm 7.138 hộ, đạt 101,53% kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,32% (đạt 143,95%); tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo Kông Chro giảm 6,33% (đạt 126,56%). Toàn tỉnh có 13/17 địa phương thực hiện đạt kế hoạch giảm nghèo được UBND tỉnh giao; riêng 4 huyện: Kbang, Chư Păh, Ia Pa và Krông Pa chưa đạt. Đến nay, toàn tỉnh còn 38.550 hộ nghèo (chiếm 10,06%) và 37.253 hộ cận nghèo (chiếm 9,72%); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 21,26% và hộ cận nghèo DTTS chiếm 17,66%. 
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương và sở, ngành liên quan đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong năm; bàn bạc, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp gỡ khó để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Đồng thời, đề ra mục tiêu năm 2023 là giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% (phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,1%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Kông Chro giảm 5%.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các địa phương, sở, ngành liên quan đánh giá nghiêm túc và thực chất để công tác giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Ban Dân tộc cần có đề xuất riêng về giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai có hiệu quả, thiết thực cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Năm 2023 dự báo sẽ nhiều khó khăn, vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương không chủ quan trong xây dựng kế hoạch, chương trình về công tác giảm nghèo; thực hiện nghiêm túc việc điều tra, thống kê hộ nghèo theo kế hoạch; kiểm tra các quyết định về giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các địa phương và kịp thời báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh nếu chưa phù hợp; rà soát công tác giảm nghèo và điều chỉnh kế hoạch giảm nghèo phù hợp theo tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương; đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến giảm nghèo. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, các hộ có nguy cơ đói giáp hạt để trên cơ sở kinh phí của tỉnh khẩn trương chi và cấp gạo cứu đói đầy đủ đến các đối tượng, giúp bà con có điều kiện đón Tết cổ truyền.

MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm