Xã hội

Gia đình

Gia Lai: Đa dạng truyền thông công tác dân số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội thi thu hút 16 đội đại diện cho 16 huyện, thị xã, thành phố với các phần thi sôi động. Màn chào hỏi vô cùng ấn tượng đã mang lại cho khán giả không khí vui tươi, sôi động thông qua trình diễn thơ, hò vè, hát múa của các đội. Chỉ trong 5 phút, các đội đã giới thiệu khái quát về đơn vị, các thành viên trong đội cũng như thông điệp công tác dân số trong tình hình mới. Nhiều đội mở màn đầy ấn tượng như đội tuyên truyền Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) huyện Đak Đoa, Kbang, Kông Chro...
Không sôi nổi như màn chào hỏi, ở phần thi giải quyết và xử lý tình huống trong quá trình cung cấp dịch vụ dân số-KHHGĐ, các đội thể hiện sự chuẩn bị chu đáo, nhanh nhạy trong việc phân tích, lý giải những tình huống khó để có cách xử lý phù hợp khi vận động người dân thực hiện chính sách dân số. Làm thế nào để không còn gia đình vi phạm chính sách dân số, không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thay đổi cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên và thanh niên hiện nay... là những trăn trở của mỗi tuyên truyền viên dân số hiện nay.
Trao giải cho các đội đạt thành tích cao. Ảnh: Đinh Yến
Ở phần thi kiến thức, mỗi đội cử 5 người dự thi bốc thăm trả lời câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm trong thời gian không quá 30 giây. Nội dung câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: lợi ích của việc chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên-thanh niên... Mặc dù kiến thức rộng nhưng nhờ sự chuẩn bị chu đáo cùng với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, hầu hết các đội đều hoàn thành tốt phần thi của mình, cập nhật kiến thức khá đồng đều và đạt được số điểm tương đối cao. 
Theo bà Lê Thị Hương-Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Đak Đoa, đại diện đơn vị đạt giải nhất tại hội thi, đội huyện Đak Đoa mang đến hội thi thông điệp: “Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hãy chấp hành tốt chính sách dân số, phòng tránh, giảm thiểu tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh và mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 2 con để xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững”. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kết hợp với kinh nghiệm tích lũy từ thực tế, đội đã hoàn thành tốt cả 3 phần thi, được Ban tổ chức ghi nhận và đánh giá cao.
Trong khi đó, đội huyện Kông Chro-đội xuất sắc đạt giải nhì-đã để lại nhiều ấn tượng tại hội thi ở phần thi kiến thức và giải quyết, xử lý tình huống. Bà Phan Trần Hiền-Phó Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Kông Chro-chia sẻ: “Đứng trước tình huống người chồng không chịu thực hiện biện pháp tránh thai, còn người vợ thực hiện biện pháp tránh thai nào cũng không tốt cho sức khỏe, vậy phải làm gì để người chồng thấu hiểu và chấp nhận biện pháp tránh thai, giải pháp của đội là nhờ cộng tác viên dân số đến nhà trò chuyện với người chồng giúp thấy được trách nhiệm với vợ và gia đình để thực hiện biện pháp tránh thai. Đây là vấn đề tế nhị của nhiều gia đình, nhất là vợ chồng dân tộc thiểu số hiện nay, nhưng nhờ sự nhiệt tình của đội ngũ tuyên truyền viên dân số mà vấn đề đã được giải quyết”.
Là cộng tác viên dân số làng Bôn (xã Lơ Ku, huyện Kbang, Gia Lai), chị Đinh Bren đúc rút: “Tham gia hội thi, tôi rút ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân khi thực hiện vai trò tuyên truyền viên dân số, từ đó nâng cao năng lực chuyển tải chính sách dân số-KHHGĐ đến với người dân. Càng hiểu và nắm rõ về chính sách dân số thì việc tuyên truyền càng dễ dàng và hiệu quả”.
Nhận xét về hội thi, ông Lê Ngọc Lân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, Trưởng ban giám khảo, đánh giá: Các đội đã chuyển tải khá thành công nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW về thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Hội thi đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác dân số-KHHGĐ ở cơ sở, nâng cao ý thức của người dân về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống một cách thiết thực.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm