Gia Lai: Đẩy mạnh công tác phòng-chống cháy nổ dịp Tết Nguyên đán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết Nguyên đán đang đến gần, đây là thời điểm các trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ... tập trung khối lượng hàng hóa lớn để phục vụ thị trường Tết nên nguy cơ cháy, nổ rất cao. Vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cần được các ngành chức năng và các chủ cơ sở quan tâm, có nhiều biện pháp chủ động nhằm bảo vệ tính mạng và tải sản cho người dân.

Những con số báo động
 

Kiểm tra, tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Ngọc Thu
Kiểm tra, tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Ngọc Thu

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Gia Lai, trong năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 47 vụ cháy, làm chết 3 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính gần 125 tỷ đồng và 9 ha rừng trồng. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ cháy tăng 11,9%, thiệt hại về tài sản tăng 116,3 tỷ đồng (gấp gần 15 lần). Đáng chú ý nhất là vụ cháy lớn tại chợ trung tâm huyện Kbang. Đám cháy đã thiêu trụi hàng chục gian hàng trong chợ, số tiểu thương bị thiệt hại tài sản rất lớn. Thiệt hại về tài sản ước tính lên đến 23 tỷ đồng. Hay vụ cháy tại siêu thị vật liệu xây dựng, trang trí nội thất Thanh Kiều (đường Hùng Vương, thị trấn Chư Sê). Vụ hỏa hoạn không gây thương vong về người nhưng toàn bộ vật dụng, hàng hóa bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.

Nguyên nhân gây cháy trên chủ yếu là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện (chiếm gần 42,6%), sự cố kỹ thuật máy móc, bất cẩn trong sử dụng nguồn nhiệt, do đốt cháy... Nông thôn là nơi xảy ra cháy nhiều nhất  với 27 vụ, chiếm tỷ lệ 57,44%.

Ngoài ra, đoàn thanh tra tỉnh đã thanh tra công tác PCCC một số chuyên đề trên địa bàn tỉnh đã lập 189 biên bản vi phạm hành, phạt tiền trên 227 triệu đồng. Và chỉ tính riêng trong tháng 12-2016, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh mở đã đợt kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề, địa bàn huyện, thị xã, thành phố về PCCC gồm các chợ, Trung tâm thương mại, siêu thị và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Kết quả, Phòng đã kiểm tra an toàn PCCC 422 cơ sở, nhắc nhở 1.241 tồn tại, thiếu sót và xử lý vi phạm 40 trường hợp với tổng số tiền gần 35 triệu đồng.

Chủ động phòng, chống

 

Kiểm tra cách khắc phục các lỗi tồn tại, vi phạm công tác đảm bảo an toàn PCCC tại Siêu thị Vin Mart. Ảnh: Ngọc Thu
Kiểm tra cách khắc phục các lỗi tồn tại, vi phạm công tác đảm bảo an toàn PCCC tại Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Ngọc Thu

Tại Trung tâm Thương mại Pleiku, nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Với khoảng 800 hộ kinh doanh số lượng hàng hóa khá lớn dễ cháy như: hương, vàng mã, quần áo, giày dép…, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng khiến việc đảm bảo an toàn PCCC của Trung tâm Thương mại gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo an toàn PCCC Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku đã phân công lực lượng trực PCCC Ban ngày gồm 14 người, ban đêm có 7 người. Toàn bộ lực lượng chữa cháy cơ sở đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC, sử dụng thành thạo trang-thiết bị PCCC, tổ chức trực chiến 24/24 giờ. Hiện Trung tâm Thương mại có 4 máy bơm chữa cháy công suất lớn, 4 hồ nước 600 m3, 180 bình chữa cháy...

Ông Trần Văn Tư-Trưởng ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku đã đưa ra các giải pháp: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho cán bộ công nhân viên và các hộ kinh doanh luôn đề cao cảnh giác, không lập bàn thờ, đốt nhang đèn trong Trung tâm Thương mại, không kinh doanh pháo nổ và các chất dễ cháy như cồn, ga... và tuân thủ chế độ an toàn điện. Đồng thời, tuyên truyền cho khách hàng nâng cao ý thức bảo đảm an toàn PCCC, không hút thuốc tại khu vực cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chữa cháy làm nhiệm vụ khi có tình huống xấu xảy ra”.

Không chỉ riêng Trung tâm Thương mại Pleiku mà các nơi buôn bán như siêu thị cũng được tăng cường kiểm tra, sửa chữa, khắc phục những hạn chế trong công tác PCCC. Siêu thị Vinmart Pleiku với hàng nghìn mặt hàng thực phẩm, đồ dùng, hóa phẩm... và hàng hóa dự trữ thiết yếu, đặc thù Tết, đảm bảo hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết đã nhanh chóng khắc phục những tồn tại như cơ sở vật chất xuống cấp, các lối thoát hiểm, thoát nạn chưa được thông thoáng, thiếu các công cụ, dụng cụ phá dỡ phục vụ công tác PCCC...  Ông Phạm Cường-Giám đốc Siêu thị Vinmart Pleiku cho biết: “Chúng tôi thực hiện cam kết về việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện của các hộ thuê tại siêu thị, Tiểu ban ATLĐ siêu thị kết hợp an toàn viên các tổ ngành hàng tuyên truyền và hướng dẫn toàn thể cán bộ nhân viên nắm bắt thành thạo sử dụng tất cả các phương tiện PCCC và ý thức sử dụng điện, thường xuyên kiểm tra các kho hàng. Đồng thời, rà soát lại tất cả các phương tiện PCCC tại siêu thị để có kế hoạch thay thế, bảo dưỡng, đảm bảo các thiết bị hoạt động tốt khi có sự cố xảy ra. Thường xuyên kiểm tra những vị trí có nguy cơ cháy nổ cao (kho hàng, máy phát điện, văn phòng,.... Tổ chức diễn tập phương án PCCC và CHCN tại đơn vị và tăng cường công tác tuần tra và kiểm soát vào ban đêm”.

Ngoài ra, các điểm như các cụm khu công nghiệp, cây xăng, chợ, trường học, cơ sở chế biến... trên địa bàn tỉnh cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Trước tình hình đó phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ như thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm về PCCC; thành lập các đoàn kiểm tra đối với một số ngành, địa bàn trọng điểm. Qua đó, tuyên truyền và hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị chủ động trong công tác chữa cháy trước lúc cơ quan chức năng đến cứu hộ.

Đại tá Dương Thanh Bình-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: “Phòng đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn trong mùa hanh khô và dịp Tết Nguyên đán. Thường xuyên kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu cuộc các đội thuộc đơn vị. Phối hợp với cac cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn công tác PCCC với từng địa bàn, từng đối tượng. Bên cạnh đó, củng cố, xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng đảm bảo hoạt động hiệu quả và kịp thời. Tổ chức các đợt kiểm tra PCCC các cơ sở thuộc diện quán lý về PCCC , ưu tiên kiểm tra các cơ sở, địa bàn trọng điểm, nhạy cảm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Phối hợp với kiểm lâm tỉnh kiểm tra công tác PCCC rừng, hướng dẫn các chủ rừng diễn tập phương án chữa cháy rừng. Tổ chức cho các cán bộ cơ sở học tập các phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở trọng điểm. Tổ chức tổng kiểm tra các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ...”.

Ngoài các biện pháp phòng-chống cháy nổ chủ động của các ngành chức năng, thì người dân cũng cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng cháy chữa cháy mọi lúc, mọi nơi giúp công tác phòng cháy chữa cháy được thực hiện chủ động, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ xảy ra và để người dân có thể đón một Tết Nguyên đán năm 2017 an vui, đầm ấm.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm