Gia Lai đẩy mạnh phòng-chống sốt rét

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai, 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 427 bệnh nhân sốt rét (không có sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét), số ca mắc tăng 103,33% so với cùng kỳ năm 2018. Huyện Krông Pa là địa phương trọng điểm với số ca mắc chiếm hơn phân nửa toàn tỉnh.
Gia Lai có dân số hơn 1,5 triệu người, trong đó hơn 1,2 triệu người nằm trong vùng sốt rét lưu hành. Với khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, sinh địa cảnh, nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa trung bình hàng năm thuận lợi cho sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét và muỗi truyền bệnh sốt rét. Bên cạnh đó, người dân nhiều nơi-nhất là vùng sâu, vùng xa-thường xuyên du canh, ngủ rẫy, tập tục còn lạc hậu, di biến động dân cư lớn, mạng lưới y tế cơ sở yếu và thiếu là những khó khăn ảnh hưởng đến công tác phòng-chống sốt rét. Tại nơi người dân thường xuyên làm rẫy, ngủ rẫy dài ngày, tỷ lệ phơi nhiễm sốt rét cao; hay vùng đệm giữa các khu vực dân cư và rừng rẫy gần các hồ thủy điện, thủy lợi và lưu vực sông Ba cũng thường hiện diện các véc tơ truyền bệnh, dễ lan truyền sốt rét. Theo thống kê, đại đa số bệnh nhân sốt rét tập trung ở các nhóm dân di biến động khó kiểm soát; 80% số người mắc sốt rét trong độ tuổi lao động. Số xã có dân xâm canh nhiều và ngủ rẫy ít nhất 3 tháng/năm chủ yếu thuộc các huyện Krông Pa, Ia Pa…
Tập huấn kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ y tế các xã trọng điểm về sốt rét trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.N
Tập huấn kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ y tế các xã trọng điểm về sốt rét trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.N
Bác sĩ Trương Thanh Liêm-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa-cho biết: Krông Pa là huyện trọng điểm về sốt rét của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, cả huyện ghi nhận 255 ca mắc sốt rét, không có sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc tăng gần 400%. Các xã trọng điểm về sốt rét là Ia Rmok, Krông Năng, Chư Rcăm, Ia Hdreh... Nguyên nhân sốt rét gia tăng là do địa bàn rộng, số lượng người dân đi rừng, ngủ rẫy nhiều; đặc biệt, do người dân không thực hiện các biện pháp phòng bệnh dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc sốt rét.
Vì vậy, triển khai các hoạt động phòng-chống sốt rét trên địa bàn là nhiệm vụ thường xuyên của huyện Krông Pa. Tỉnh và huyện đều có sự hỗ trợ tích cực cho ngành Y tế địa phương trong công tác này. Song song đó, ngành Y tế còn phối hợp với các cấp, ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền; triển khai các hoạt động như tẩm màn, phun hóa chất diệt muỗi, có kế hoạch cấp kem xua muỗi cho người dân đi rừng, ngủ rẫy và tổ chức phun hóa chất tại nhà rẫy.
Đến nay, huyện có 30 người tham gia nhóm Cộng đồng Phòng chống sốt rét (CMAT) với hoạt động chính là nâng cao nhận thức, cung cấp vật phẩm, phát hiện và chuyển gửi người nghi mắc sốt rét và hỗ trợ tuân thủ điều trị cho những người đi rừng ngủ rẫy, những người có nguy cơ mắc sốt rét. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên y tế thôn làng thường xuyên đi thăm, truyền thông và kịp thời báo cáo các trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét tại hộ gia đình. Bên cạnh đó, tại 5 xã trọng điểm về sốt rét của huyện có 12 nhân viên thường xuyên thực hiện công tác truyền thông, giám sát, theo dõi nhằm phát hiện sớm sốt rét và điều trị kịp thời.
Cũng là một trong những địa phương trọng điểm về sốt rét nhưng nhờ triển khai tích cực hoạt động phòng-chống nên số ca mắc trong 3 tháng đầu năm tại huyện Đức Cơ giảm rõ rệt, chỉ ghi nhận 7 ca (cùng kỳ năm 2018 có 27 ca). Anh Rơ Lan Bye-cán bộ chuyên trách sốt rét xã Ia Nan-chia sẻ: “Xã có trên 8.000 dân, trong đó có khoảng 20% số người thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, xã chỉ ghi nhận 2 ca sốt rét nhờ chúng tôi thường xuyên phối hợp với nhân viên y tế thôn làng tiếp cận tuyên truyền, đồng thời triển khai cấp màn, phun hóa chất diệt muỗi...”.    
Ông Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh-thông tin: Công tác phòng-chống sốt rét trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng cường và được sự hỗ trợ của nhiều dự án, trong đó có dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin giai đoạn 2018-2020”. Theo đó, trong năm 2019 tỉnh Gia Lai thành lập 25 điểm sốt rét tại 4 huyện Chư Prông, Đức Cơ, Ia Pa và Krông Pa nhằm lập danh sách các hộ đi rừng, ngủ rẫy; lấy lam và test chẩn đoán nhanh đối với các đối tượng; truyền thông trực tiếp và thống kê số người qua lại biên giới. Ngoài ra, năm 2019, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh còn được dự án cấp 243.000 màn tẩm hóa chất tồn lưu dài cho dân vùng sốt rét lưu hành và 13.120 võng màn tẩm hóa chất tồn lưu dài cho đối tượng dân di biến động. Trong năm 2019, Trung tâm còn được Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cấp 21.000 tuýp kem xua muỗi…”.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, thời gian tới, ngoài tăng cường giám sát dịch tễ, giám sát chẩn đoán, điều trị sốt rét, công tác dự phòng sẽ triển khai phun tồn lưu nhà ở bảo vệ cho người dân tại các xã trọng điểm; tổ chức điều tra tỷ lệ ngủ màn, ngủ rẫy; điều tra thành phần, mật độ muỗi các điểm sốt rét gia tăng. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về phòng-chống sốt rét, giúp người dân đi rừng, ngủ rẫy có đủ kiến thức và khả năng tự bảo vệ mình không bị mắc bệnh...

Tại TP. Pleiku, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn vừa phối hợp với Ban quản lý Dự án Sáng kiến tiếp cận y tế CLINTON (CHAI) mở lớp tập huấn thí điểm thử nghiệm phần mềm eCDS-MMS trong công tác báo cáo trường hợp bệnh sốt rét, điều tra phân loại ca bệnh và xử lý ổ bệnh. 
Tại lớp tập huấn, học viên được giới thiệu các tính năng của phần mềm eCDS-MMS; hoạt động báo cáo ca bệnh, phân loại ca bệnh; phân loại ổ bệnh, xử lý và đáp ứng ổ bệnh sốt rét; hướng dẫn sử dụng phần mềm và thực hành các chức năng quản lý trong eCDS-MMS… Được biết, thời gian thí điểm phần mềm eCDS-MMS bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 7-2019. Dự kiến cuối tháng 7-2019, hệ thống chung phần mềm eCDS-MMS được sử dụng chính thức trên sever do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) quản lý.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm