Gia Lai: Đổ xô vào rừng hái xoay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 8, hàng ngàn người dân huyện Kbang và các huyện lân cận đổ xô vào rừng tận hái quả xoay. Hậu quả là những cánh rừng xoay đang bị chặt phá tan hoang.
Người dân đang hái xoay. Ảnh: Nguyễn Tú
Người dân đang hái xoay. Ảnh: Nguyễn Tú
Tại thị trấn Kbang (huyện Kbang), từ sáng sớm, hàng trăm người “cơm đùm, cơm nắm” mang các dụng cụ như dao rựa, dây thừng, bao bì, thậm chí cả cưa xăng… đổ xô vào rừng thu hái xoay. Theo chân những người đi hái xoay, chúng tôi chạy xe máy qua gần 20 km đường nhựa, qua tiếp 10 km đường rừng trơn trợt và lầy lội đến bãi tập kết xe, rồi đi bộ hơn 2 km nữa mới đến nơi có những cây xoay đang vào vụ thu hái. Chị Trần Thị Hòa-người đi hái xoay nói: “Ngày trước, rừng còn nhiều cây xoay và ít người thu hái nên không phải đi xa. Bây giờ mới bước vào vụ cho quả đã thấy cả mấy chục chiếc xe máy để la liệt. Chẳng mấy chốc, ở đây sẽ không còn xoay mà hái!”.
Cây xoay là loại cây mọc tự nhiên trong rừng, thường thì những cây đã lớn, 2 năm mới rộ quả một lần. Hiện nay, thương lái vào thu mua tại rừng, xoay chín 25.000 đồng/kg, xoay chưa lọc giá 15.000 đồng/kg, xoay xanh 5.000 đồng/kg, sau đó về bán ở thành thị có giá 40.000-50.000 đồng/kg. Nếu gặp cây nhiều quả, một người “đi xoay” có thể thu đến một triệu đồng/ngày, nếu ngày ít xoay cũng được vài trăm ngàn đồng. Vì lợi nhuận và vì lượng người vào rừng hái xoay ngày càng tăng nên người ta tìm mọi cách để thu hái được nhiều và nhanh nhất. Người có ý thức giữ cho mùa sau thì chịu khó đóng đinh, làm bậc, buộc dây thừng hoặc lợi dụng rừng dày có nhiều cây nhỏ, trèo từ cây này sang cây khác đến khi nào lên được cây xoay thì tiến hành chặt cành, tỉa ngọn; người ở dưới đất có nhiệm vụ hái quả. Trong khi đó nhiều người khác lại dùng cưa xăng đốn đổ cả cây to. Số này không riêng người dân huyện Kbang và các huyện khác trong tỉnh Gia Lai, mà còn có cả những người dân ở các tỉnh khác như Bình Định, Quảng Nam…
Tình trạng thu hoạch kiểu tận diệt tràn lan không biết trong tương lai có còn xoay mà hái nữa không? Lại còn chuyện tranh giành địa bàn, hái trộm xoay của nhau. Đó là chưa kể, năm nào cũng có một vài “dân xoay” tình nguyện ở lại làm ma gác rừng già. Hoàng Văn Ninh-một thợ trèo xoay nói: “Không sung sướng gì đâu, vì mưu sinh nên phải lặn lội rừng sâu thế này đây, trèo không khéo sẽ bị ngã, năm nào cũng có người chết”.
Vẫn biết là mưu sinh nhưng chính tình trạng khai thác tràn lan khiến cho xoay và các tài nguyên rừng đang dần cạn kiệt.
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm