Gia Lai khan hiếm nhân công khai thác mủ cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ khai thác mủ cao su đã đến gần nhưng các công ty cao su và chủ vườn cao su tiểu điền vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân công.

Ia Krái là một trong những xã có diện tích cao su tiểu điền lớn của huyện Ia Grai. Người dân nơi đây đang loay hoay tìm kiếm nhân công cho vụ khai thác mủ 2017. Là hộ tiên phong trồng cao su tại xã Ia Krái, ông Đường Xuân Toàn (thôn 2) hiện có 4 ha cao su 7 năm tuổi. “Không như các loại cây trồng khác, để cạo được mủ cao su, người lao động phải trải qua một khóa học. Phải bỏ một tháng học cạo rồi đi cạo thuê thì người dân không mặn mà. Năm ngoái, tôi thuê được người cạo nhưng họ là công nhân của công ty cao su gần đây tranh thủ làm thêm, vụ tới chưa biết tính sao. Ở đây có hơn 10 hộ trồng cao su nhưng đều chưa thuê được người cạo mủ cho vụ tới”-ông Toàn chia sẻ.

 

Công nhân khai thác mủ cao su. Ảnh: H.S
Công nhân khai thác mủ cao su. Ảnh: H.S

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Trung (thôn 2, xã Ia Krái) có hơn 2 ha cao su chuẩn bị vào vụ khai thác mủ năm thứ 2. Gia đình ông Trung cũng đang “đỏ mắt” tìm nhân công cho vụ khai thác mới. “Trước đây, giá cao su quá thấp, không đủ trả tiền công cạo mủ nên tôi chỉ khai thác một ít. Năm nay, giá mủ đang ở mức khoảng 50 triệu đồng/tấn, tôi cho khai thác nhưng khổ là không có người cạo dù tiền công cao. Tiền công được tính theo cây, một cây là 500-700 đồng. Nếu một người vừa cạo mủ vừa đổ mủ sẽ có tiền công khoảng 500 ngàn đồng chỉ trong một buổi sáng”-ông Trung cho hay.

Thiếu nhân công khai thác mủ đang là bài toán nan giải không chỉ đối với các hộ trồng cao su tiểu điền mà còn cả với các doanh nghiệp. Công ty TNHH Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức là một trong những đơn vị có diện tích cao su lớn tại xã Ia Púch (huyện Chư Prông) với 5.000 ha. Tuy nhiên, Công ty hiện thiếu khoảng 1.800 công nhân khai thác mủ cao su. Ông Thái Hồng Nhân-Giám đốc Công ty, cho biết: “Bình quân mức lương công nhân ở Công ty là 6-7 triệu đồng/người/tháng, nhưng vì là khoán theo sản phẩm nên có nhiều người đạt 9-10 triệu đồng/tháng. Vậy nhưng Công ty vẫn không đủ công nhân. Vì lẽ đó, chúng tôi phải xin cơ quan chức năng cho tuyển dụng thêm lao động ngoại tỉnh. Được biết, nhiều công ty trồng cao su tại xã Ia Púch cũng đang thiếu nhân công khai thác mủ như chúng tôi”.

Theo ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thì nguyên nhân các doanh nghiệp khó tuyển được lao động là do nguồn cung và cầu chưa gặp nhau. Bên cạnh đó, một số vườn cao su ở vùng khó khăn nên các điều kiện chăm lo cho nhân công chưa đảm bảo. Thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp mở các buổi tư vấn việc làm, sàn giao dịch việc làm để chung tay giải bài toán thiếu nhân công với doanh nghiệp.

Giá mủ cao su sau nhiều năm ở mức thấp đã tăng trở lại, mang đến niềm vui cho người dân và doanh nghiệp tại Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Tuy nhiên, với thực tế diện tích cao su nhiều và nhu cầu lao động lớn, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần có những giải pháp hiệu quả để đảm bảo nguồn lao động cho việc khai thác vườn cây. Đồng thời, cũng cần có những giải pháp để tránh tình trạng doanh nghiệp tranh giành lao động, làm mất ổn định trật tự xã hội.

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm