Gia Lai khẩn trương rà soát số lượng, nhu cầu việc làm của lao động về tỉnh do ảnh hưởng dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-10, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai có Thông báo số 235/TB-VP về kết luận của đồng chí Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh đối với tình hình người lao động về tỉnh, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp trực tuyến diễn ra ngày 28-10, sau khi nghe Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo, ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:

Về giải pháp trước mắt, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương rà soát số liệu đối với số lao động về tỉnh trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh, 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác (nếu có). Yêu cầu phải chuẩn về số liệu, trong đó phân tích rõ về giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn; lao động về từ tỉnh, thành nào; làm việc tại khu công nghiệp, doanh nghiệp nào; làm nghề tự do (ngành nghề gì)… Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi UBND TP. Hồ Chí Minh, 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đề nghị các tỉnh, thành cung cấp thông tin về nhu cầu lao động (trình đồ, nghề nghiệp…); các chính sách thu hút lao động của địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý (dự thảo văn bản gửi về UBND tỉnh chậm nhất 16 giờ ngày 29-10).

Công nhân làm việc tại Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Công nhân làm việc tại Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy


Đồng thời, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành để nắm thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển lao động, các chế độ chính sách liên quan nếu đi vào làm việc… Trên cơ sở thông tin có được, phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người dân, nhất là đối tượng lao động trở về từ các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Xây dựng kế hoạch đưa lao động trở lại làm việc sau khi có sự thống nhất của tỉnh, thành và doanh nghiệp phía Nam. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát nhu cầu về lao động thu hoạch nông sản trên địa bàn tỉnh (thu hái cà phê, hồ tiêu, mía…) để giới thiệu, giải quyết nhu cầu về việc làm thời vụ trước mắt cho người lao động.

Về các giải pháp có tính lâu dài, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai điều tra, thu thập thông tin cơ bản, chính xác về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp và biến động qua từng thời kỳ trên địa bàn tỉnh để đánh giá, làm cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu của lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Thu thập thông tin về thực trạng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động theo nghề và trình độ đào tạo; nhu cầu tuyển dụng lao động; qua đó đánh giá thực trạng tuyển dụng và sử dụng lao động, làm cơ sở xác định hướng đào tạo và bố trí hợp lý nguồn nhân lực. Triển khai cung cấp, phổ biến thông tin thị trường lao động đến các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức như cung cấp tài liệu tuyên truyền, tập huấn, diễn đàn, phiên giao dịch việc làm để các tổ chức, cá nhân được tiếp nhận thông tin thị trường lao động đầy đủ, kịp thời, chính xác.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan tổ chức tốt các chương trình hướng nghiệp đa dạng về đối tượng, nội dung và hình thức; trong đó, chú trọng công tác đào tạo nghề có địa chỉ gắn với các chính sách thu hút đầu tư của các dự án vào địa bàn tỉnh, để tạo việc làm ổn định, lâu dài cho người lao động. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội để tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người trong độ tuổi lao động về các chính sách hỗ trợ vốn vay để đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo việc làm cho người lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, địa phương có liên quan tuyên truyền, vận động người lao động trở lại làm việc ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp hiện nay đã hoạt động trở lại bình thường ở các tỉnh, thành phía Nam.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để kịp thời cung cấp thông tin về lao động đối với các dự án đầu tư vào tỉnh trong thời gian đến để chủ động đào tạo cho lao động và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh sớm ổn định sản xuất, kinh doanh để thu hút lao động vào làm việc.

Sở Y tế phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương trong tỉnh khẩn trương rà soát đối tượng lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là lao động từ các tỉnh, thành phía Nam về địa phương chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì khẩn triển khai tiêm để tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc khi có yêu cầu.


 

Lực lượng Cảnh sát Giao thông công an TP. Pleiku kiểm tra giấy tờ người vào thành phố tại chốt kiểm soát số 1 Hàm Rồng. Ảnh: Bá Bính
Lực lượng Cảnh sát Giao thông công an TP. Pleiku kiểm tra giấy tờ người vào thành phố tại chốt kiểm soát số 1 Hàm Rồng. Ảnh: Bá Bính


Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi người lao động của tỉnh còn đang cư trú tại các tỉnh phía Nam tiếp tục yên tâm, ở lại làm việc. Phối hợp nắm bắt thông tin của người lao động trở về địa phương. Tổng hợp nhu cầu đăng ký tìm việc tại tỉnh, nhu cầu quay trở lại các tỉnh phía Nam làm việc để triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động.

Đối với các dự án đầu tư công do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư, quan tâm chỉ đạo các Ban quản lý dự án đề nghị các nhà thầu ưu tiên tuyển dụng lao động trên địa bàn vào việc trong các dự án, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh triển khai nắm bắt, hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc, đặc biệt là lao động từ các tỉnh mới trở về địa phương.

 

KIỀU PHAN
 

Có thể bạn quan tâm